Thống kê nước ngoài

Lượn cọi, nét văn hóa đặc sắc của người Tày Pác Nặm

2024-12-21 13:17:02
Nét đẹp văn hóa Việt Nam giữa miền đất Phật
“Ông đồ Tây” Jean Sébastien Grill: "Sứ mệnh của tôi là giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Pháp"

Chúng tôi có dịp đến thăm nghệ nhân Hoàng Thị Mỵ, ở thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm). Bà Mỵ được biết đến là người truyền cảm hứng những làn điệu Lượn cọi đặc sắc mà người Tày ở Pác Nặm còn lưu giữ. Nói về niềm đam mê của mình, bà cho biết: Lượn cọi như một món ăn tinh thần không thể thiếu nhất là mỗi dịp địa phương tổ chức lễ hội. Đối với những nam thanh, nữ tú, Lượn cọi như câu chuyện giao duyên đối đáp làm quen. Cũng từ những cuộc giao lưu này nhiều đôi đã thành vợ, thành chồng. Không biết từ bao giờ Lượn cọi đã ngấm vào con người bà cho đến tận ngày hôm nay…

Lượn cọi của người Tày ở huyện Pác Nặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019.

Bà Mỵ chia sẻ: “Từ năm 16 - 17 tuổi tôi đã được theo các anh chị đi nghe hát Lượn cọi. Có những cuộc giao lưu kéo dài thâu đêm tới sáng mà mọi người còn quyến luyến chưa muốn về. Lượn cọi được một người lĩnh xướng bên nam hoặc nữ với những câu lượn luyến láy, giọng ngân tha thiết. Trong những ngày gia đình nào có việc vui thì Lượn cọi chính là màn giao lưu đối đáp cuốn hút nhất”.

Giao lưu Lượn cọi tại chợ phiên xã Công Bằng.

Lượn cọi là một thành tố quan trọng trong tổng thể âm nhạc dân gian người Tày ở Pác Nặm. Ngôn ngữ của Lượn cọi mang tính biểu cảm, giữ một vị trí quan trọng và rất phổ biến trong đời sống tinh thần, chủ yếu ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi bản làng, mùa màng tươi tốt bội thu, về tình cảm con người, tình yêu đôi lứa. Đối với nam nữ thanh niên, Lượn cọi như một hình thức để giãi bày tâm sự, suy nghĩ, chia sẻ kinh nghiệm, tỏ tình, để bày tỏ ước mơ tìm đến hạnh phúc, kết duyên vợ chồng. Vì thế, trải qua năm tháng, Lượn cọi vẫn được các thế hệ và người dân Pác Nặm gìn giữ, lưu truyền như một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Bà Hoàng Thị Mỵ cho biết thêm: Bản thân tôi thường sưu tầm các làn điệu Lượn cọi từ thời trước, có những bài tự biên tham gia giao lưu và truyền đạt lại kinh nghiệm cho nhau và đặc biệt truyền dạy cho lớp trẻ bây giờ với mong muốn sẽ có nhiều lớp trẻ tiếp tục phát huy bảo tồn văn hóa Lượn cọi.

Bà Hoàng Thị Mỵ ở thôn Khuổi Lè xã Giáo Hiệu truyền dạy Lượn cọi cho lớp trẻ ở thôn.

Em Lý Đặng Thùy Linh, học sinh Trường THCS Giáo Hiệu cho biết: “Được nghe các ông, bà say mê luyện tập làn điệu Lượn cọi, chúng em cũng muốn được học hát và mong muốn các lớp truyền dạy được tổ chức vào dịp hè, để thế hệ trẻ được hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã được triển khai, nhằm bảo tồn và giữ gìn văn hóa đặc sắc của đồng bào. Thông qua 04 lớp truyền dạy được tổ chức tại các xã Công Bằng, Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Bằng Thành, mỗi lớp có trên 20 học viên tham gia.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm cho biết: Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và cả cộng đồng, Lượn cọi của đồng bào dân tộc Tày ở Pác Nặm đã và đang được bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại. Lượn cọi đang được các nghệ nhân và người dân hướng tới trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Đến nay, mỗi dịp địa phương tổ chức các lễ hội thì Lượn cọi là một trong những hoạt động văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng các dân tộc nói chung và người Tày ở Pác Nặm nói riêng. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lượn cọi của người Tày ở Pác Nặm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019…

Đặc sắc lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Đạ Tẻh
Chọi bò - nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông
Top