Ngày 8/3 của người vợ bị lây HIV từ chồng: "Chỉ mong đừng ai xa lánh mẹ con!"

2025-01-17 20:38:18

>> Vũ Phượng

Chồng đã mất hơn 10 năm nhưng nhiều khi nhìn lên bàn thờ chồng, chị X. (47 tuổi) ở Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM vẫn tuôn trào nước mắt vì ấm ức, vì oán hận cuộc đời đối xử với chị không công bằng… Nhưng khóc đã đời rồi thì chị lại tự nhủ mình, oán hận mà làm gì. Người thì cũng đã mất rồi… Rồi chị lấy đó làm sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh bươn chải chăm lo cho 3 con.

Ngày vào bệnh viện chuẩn bị sinh đôi hai con sau, chị không tin vào tai mình khi bác sĩ báo không được cho con bú vì chị bị nhiễm HIV. Sốc, choáng váng, hoang mang vì những lời sét đánh bên tai, chị không hiểu vì sao mình lại bị căn bệnh thế kỷ này. Bác sĩ trấn an chị bằng câu nói: “Chị phải sống để chăm sóc cho các con của mình, lấy các con là lẽ sống để có động lực điều trị”. Gạt qua đau khổ, từ đó không đụng vào bất kỳ vật sắc nhọn nào trong nhà, hạn chế làm mọi việc vì chỉ cần chị bị chảy máu hoặc trầy xước một chút là con chị có thể bị lây trực tiếp từ chị.

Chị X. chia sẻ: “Khi biết mình bị nhiễm căn bệnh này, theo như người ta nói bệnh này sẽ không có thuốc chữa, mang theo tới khi chết. Tôi sợ tôi chết khi các con còn nhỏ nên thầm vái trời phật để được điều trị mà nuôi các con khôn lớn trưởng thành, chừng đó có chết tôi cũng cam tâm”.

Rồi chị cũng được an ủi phần nào khi các kết quả xét nghiệm máu sau đó cho thấy tất cả 3 đứa con của chị, không đứa nào bị nhiễm HIV.

Khi hai cậu con được 6 tháng, chồng đổ bệnh nặng, sốt liên tục không hết, xuất huyết lên não được một thời gian thì mất. Chị X. lại một mình lo ma chay cho chồng. Xong xuôi, chị làm đủ nghề, ai thuê gì làm đó để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 con ăn học nên người.

Ngày chị phát bệnh, theo hướng dẫn từ địa phương, chị đến Trung tâm y tế dự phòng quận 4 để xét nghiệm và điều trị. Sau khi thăm hỏi và tìm hiểu các biểu hiện bệnh của chồng chị trước khi mất, các bác sĩ kết luận chị bị nhiễm HIV từ chồng.

Chị X. trải lòng: “Mình nghĩ lúc chồng mình đi làm xa vậy mình không kề cận, mình cũng nghĩ thoáng một chút thôi chồng đi làm cực khổ, có đi với bạn bè ăn nhậu xíu cũng không có gì là quá đáng, chứ mình không nghĩ đến chuyện này kia kia nọ. Nói chung ngày đó mình thật thà chất phác nên đâm ra bản thân phụ nữ của mình bị thiệt thòi. Mình cứ nghĩ mình sao thì chồng mình như vậy thôi, chứ đâu có nghĩ rằng từ việc ăn nhậu đó mới đi đến chuyện này chuyện khác rồi mang bệnh vào người, xong lây cho vợ đâu…”, nói rồi chị nhìn lên bàn thờ chồng, đôi mắt đỏ au.

“Nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, không biết khi chồng mình chết như vậy, ổng có biết lý do vì sao mình chết hay không, vì sao vợ lại bị phát hiện nhiễm HIV hay không…”, chị X. tâm sự.

Chị kể, khi hai con út học tới lớp 4, còn con gái lớn học hết cấp 2 thì biết mẹ bị bệnh. Nhưng những đứa trẻ ngây ngô khi đó chỉ biết rằng chị bị bệnh hiểm nghèo, không chữa được như ung thư, chứ không hay biết đó là HIV.

Sau vài lần đi lấy thuốc, cả xóm biết chị bị HIV. Cũng từ đó, hai cậu con sinh đôi đi học về mặt lại buồn thiu, ôm mẹ khóc tu tu mà hỏi vì sao các bạn ở lớp cứ né tránh con, không chơi cùng tụi con,…

Qua cô chủ nhiệm, chị cũng biết có một vài phụ huynh liên hệ cô yêu cầu chuyển chỗ cho con họ, để không ngồi gần những đứa con của một người mẹ bị căn bệnh thế kỷ…

Hai hàng nước mắt chảy dài, chị tâm sự: “Lúc đó tôi cùng quẫn lắm, nghĩ chẳng lẽ mình cho con nghỉ học. Vậy rồi tới ngày mình không còn trên cuộc đời này nữa, ai sẽ lo cho các con. Nếu các con không được đến trường thì cuộc sống sau này sẽ ra sao. Nghĩ vậy nên tôi lại nuốt nước mắt, bảo các con, không ai chơi cùng thôi về chơi với mẹ, không sao hết”.

Trong căn nhà 3 vách tôn, 1 vách dựa nhờ vào nhà hàng xóm lụp xụp chi chít giấy khen, những tấm hình con khi còn bé, chị X. ngồi bệt tâm sự với tôi ngay cửa nhà. Thi thoảng chị X. lại nấc nghẹn như đang cố kìm lại những cảm xúc của mình. Nhưng có vẻ bất thành, nước mắt vẫn tuôn dài trên gương mặt sạm đen.

Rồi chị nức nở: “Bản thân tôi gánh gồng chịu đựng như thế nào cũng được, nhưng thấy con vậy tôi không biết phải làm sao. Nhưng xã hội mà, người ta như thế nào đó là quyền của người ta, mình không có cấm cản được. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là sợ mình chết bất đắc kỳ tử bỏ các con lại…”

Con gái đầu của chị vừa tròn 18 tuổi. Lê Mai Như Ý đang là sinh viên năm nhất một trường đại học ở TP.HCM. Ý tâm sự, khi mọi người biết mẹ em nhiễm HIV, không ai nhận mẹ em làm bất kỳ việc gì… Vậy là mẹ của em phải đi xa hơn để làm vài công việc vặt như lau dọn nhà cửa, rửa chén bát theo giờ để có tiền lo cho 3 con ăn học.

Ý chia sẻ: “Em nhớ nhất là lần mẹ đi phụ đám rất xa, tuốt ở đường ở trên, mà buổi tối mẹ không có xe về mẹ phải dầm mưa ướt nhem hết mình. Bữa đó mặc dù vậy nhưng mẹ mang rất nhiều đồ ăn ở tiệc người ta ăn thừa về cho tụi em, mặc dù mẹ bệnh vậy nhưng mẹ vẫn lo được cho tụi em”.

Nhiều lần nhìn mẹ của bạn bè xung quanh, Ý lại càng thương mẹ mình hơn vì mẹ của các bạn có công việc, có thu nhập ổn định. Còn mẹ của Ý thì hiếm ai nhận làm việc gì nên cuộc sống của gia đình lại càng khó khăn hơn. Tuy vậy, Ý vẫn tự hào về mẹ mình vì mẹ đã rất mạnh mẽ vượt qua những điều tiếng để chăm lo cho 3 chị em Ý.

Vì phải ở trọ ở quận 7 để tiện đường đi học và phải đi làm thêm để trang trải tiền nhà trọ nên ngày 8/3 này, Ý không thể về nhà cùng mẹ. Cô sinh viên năm nhất bày tỏ: “Điều em mong mỏi nhất dành cho mẹ trong ngày 8/3 cũng như tất cả những ngày khác trong năm là không ai xa lánh mẹ nữa. Bệnh này chỉ lây qua đường máu và mẹ em đã được các bác sĩ hướng dẫn cách để bảo vệ mình và cộng đồng nên em không thể chịu được khi thấy mọi người xa lánh mẹ cũng như những người nhiễm HIV khác”.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Lê Nam

Xem thêm

8/3: Bàn về nữ quyền thời 4.0

Nữ quyền trong con mắt đàn ông là gì? Liệu đàn ông có lo sợ, hay cũng chỉ thờ ơ và coi đó như bao ...

8/3 của chàng ca sĩ đi giày cao gót Adam Lâm

Adam Lâm là một nghệ sĩ đa tài và có cá tính rất riêng biệt. Lựa chọn sống thật với giới tính, chàng ca sĩ ...

Nguồn bài viết : Live22 Điện Tử

Top