Gọi là ăn than bởi theo quan niệm của người Giẻ-Triêng thì trong ngày Tết, ai dính nhiều tro đốt từ than nhất sẽ may mắn, thu hoạch mùa màng tươi tốt.
Già làng Ch’râm Ớn, 78 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng hiện sống tại thôn Đắc Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo truyền thống của người Giẻ-Triêng, để chuẩn bị ăn Tết Cha-Kcha cổ truyền, đàn ông Giẻ-Triêng thường rủ nhau vào rừng đốt than. Họ lựa những cây rừng chắc nhất để có than tốt, khởi động lò rèn lo rèn cuốc, rựa, xà gạt... chuẩn bị cho một vụ mùa rẫy mới năm sau.
Đàn ông Giẻ-Triêng thường vào rừng tìm củi chắc để đốt thành than, chuẩn bị cho tết
Trong khi đàn ông đi đốt than thì những phụ nữ Giẻ-Triêng cũng bận bịu vào rừng cắt lấy đọt đòng đòng của cây đót mang về. Lúa mới trên nhà kho cũng được lấy xuống giã làm bánh. Gạo lúa mới được trộn với đót đòng đòng, sau khi giã xong thêm muối, ớt hoặc trộn với bột gạo để nấu canh. Đây là món ăn chính trong Tết Cha-Kcha của người Giẻ-Triêng. Vì vậy, Tết Cha-Kcha còn được gọi là Tết than hay Tết đòng đòng.
Tết của người Giẻ-Triêng không ấn định ngày cụ thể mà phụ thuộc vào thời tiết của từng năm, thời điểm ra đòng đòng của cây đót. Tết Cha-Kcha được chuẩn bị và tổ chức bắt đầu khi cây đót có đòng đòng (như đòng đòng của lúa) khoảng cuối tháng 10 Âm lịch, nghĩa là khi cây đót đã mang bào thai chuẩn bị trổ bông.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho ngày tết này, ngay từ tháng 6 đến tháng 8, người Giẻ-Triêng lo ủ men làm rượu cần, chuẩn bị các loại thức ăn truyền thống như thịt dơi, thịt chuột, cheo, rau dớn, măng khô để phục vụ trong ngày Tết Cha-Kcha. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà trong Tết Cha-Kcha có thêm gà, heo, đôi khi có cả trâu để làm vật cúng tế hiến sinh.
Tết Cha-Kcha là dịp lễ hội lớn nhất trong năm của người Giẻ-Triêng
Trong thời gian đốt than và lấy đọt đòng đòng, người Giẻ-Triêng kiêng cữ 7 ngày. Cổng làng bao giờ cũng có treo một nhánh gai làm dấu báo hiệu sự kiêng cữ. Trong 7 ngày đó, dân làng tuyệt đối không được ăn các loại cá (kể cả thịt thú khô và các loại thức ăn dự trữ). Các con vật như gà, heo, trâu bị giết thịt làm vật hiến sinh thường được chủ làng lấy máu bôi vào từng cột nhà một như để trừ ma xấu, cầu mong cho Yàng phù hộ cho dân làng một năm an lành, hạnh phúc; mọi người luôn đoàn kết, thương yêu nhau, lúa bắp đầy kho, rượu ngon đầy ché, trâu bò, heo gà đầy đàn...
Tết đến, mỗi gia đình góp một ít món canh đòng đòng, gan của các con vật hiến sinh được trộn lẫn vào nhau đem đến nhà rông để sau khi cúng xong mọi người cùng ăn uống vui chơi, nghe những người già kể Khan...
Ngoài ra, trong dịp Tết này, người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên thành tro. Hai loại tro này sẽ được hất tung lên cao và ai dính được nhiều tro nhất sẽ là người may mắn nhất. Người Giẻ-Triêng cũng sẽ cầm một nắm xôi ném lên mái nhà, nắm xôi của ai dính lên đó sẽ năm mới người ấy sẽ có 100 gùi lúa.
Tết ăn than là dịp để trai gái tỏ tình, nên duyên vợ chồng
Trong những ngày tết Cha-Kcha, con trai chưa vợ, con gái chưa chồng được hưởng niềm vui tột đỉnh, bởi đây cũng là mùa tỏ tình của con trai, con gái Giẻ-Triêng trong lúc nông nhàn. Họ được nằm chung một chiếu tại nhà rông để tự do tỏ tình mà không sợ sự dị nghị. Nhiều cặp nam nữ Giẻ-Triêng nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái, ăn nên làm ra trong sự đùm bọc, thương yêu của cả cộng đồng.
Nam Yên
Nguồn bài viết : KA Điện Tử