Nguyễn Văn Tiệp sinh năm 1991, là cựu sinh viên Học viện Tài chính và từng học tại Đại học Laguna State Polytechnic (Philippines). Hiện, ngoài việc dạy các lớp học tiếng Anh miễn phí cho hơn 600 sinh viên tại Đại học Mỏ – Địa chất, Đại học Điện lực, Đại học Sư phạm, anh còn nhận lời đào tạo cho một số doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như tham gia những dự án dịch thuật.
Tự học 6 tháng, thi IELTS 7.5, TOEIC 890 điểm
Tiệp kể, ngày trước, hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, bố mẹ đều làm nghề nông nên không có nhiều điều kiện cho con học thêm ngoại ngữ. Cảm thông với những bạn trẻ đồng cảnh ngộ từ quê lên thành phố học tập, Tiệp quyết định mở các lớp dạy tiếng Anh miễn phí để sinh viên nâng cao vốn ngoại ngữ và hỗ trợ cho công việc sau này.
Nguyễn Văn Tiệp (24 tuổi) nhưng đã đi dạy được 5 năm và gắn bó với sinh viên nhờ lớp học tiếng Anh miễn phí
Khi còn là sinh viên năm nhất, vì không có tiền đến trung tâm nên Tiệp tự ở nhà học thuộc từ mới và luyện ngữ pháp. Mỗi ngày, anh dành khoảng 6 – 8 tiếng để học. Anh còn đạp xe ra hồ Gươm nói chuyện với người nước ngoài.
Sau 6 tháng tự học, Nguyễn Văn Tiệp liều mình đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh và đạt được kết quả cao (IELTS 7.5 và TOEIC 890 điểm). Từ đó, anh bắt đầu dạy tiếng Anh cho bạn bè trong xóm trọ và dần được mọi người gọi là thầy giáo.
Năm 2013, Tiệp quyết định du học ở Philippines để nghiên cứu về phương pháp giảng dạy hiện đại trên thế giới.
"Sống và làm việc trong môi trường quốc tế, tôi mở mang thêm nhiều ý tưởng mới, khác với những gì đã học ở sách vở hay qua video. Tôi biết được tiếng Anh cần phải học gì để khi quay về Việt Nam đào tạo sẽ dễ dàng hơn", 9X nói.
Anh được học trò nhận xét là người thầy, người anh giản dị và luôn gần gũi với sinh viên
Vay mượn tiền để dạy tiếng Anh miễn phí
Nguyễn Văn Tiệp bắt đầu dạy tiếng Anh từ năm 2010, mỗi tháng trung bình khoảng 200 sinh viên. Dạy miễn phí nên việc bị mọi người hoài nghi về chất lượng dạy học rất khó tránh khỏi. Buồn chán vì những lời đàm tiếu xung quanh, song chàng trai 24 tuổi vẫn cố gắng lạc quan. 9X tâm niệm rằng, chỉ cần làm tốt, giúp học trò nói được tiếng Anh, mọi nghi ngờ sẽ được chứng minh rõ ràng nhất.
Trước câu hỏi dạy tiếng Anh miễn phí có sợ bị thiệt thòi so với giáo viên ở các trung tâm ngoại ngữ khác, Tiệp cười và trả lời: "Nếu ham tiền thì tôi đã mở trung tâm từ lâu rồi. Không được đào tạo chính quy nhưng cũng được học viên gọi là thầy nên tôi chỉ biết tâm huyết với nghề, với đạo đức nghề nghiệp, không nghĩ đến việc kinh doanh".
Thời gian đầu mới đi dạy, Tiệp phải vay mượn tiền để làm kinh phí duy trì lớp học. Mang tâm lý được học miễn phí nên sinh viên tìm đến lớp càng ngày càng đông khiến anh vất vả một mình vừa tìm địa điểm vừa chuẩn bị bài giảng. Sau này, các học viên có đóng thêm phụ phí 20.000 – 30.000 đồng để Tiệp thuê phòng tốt hơn, đầy đủ thiết bị và có trợ giảng, giáo viên nước ngoài đến tham gia.
Sau khi dạy ổn định, Nguyễn Văn Tiệp còn mong muốn mở rộng thêm các lớp khác ở Đại học Tài nguyên Môi trường, Đại học Công nghiệp... Bên cạnh đó, anh ấp ủ dự định sản xuất phần mềm, game học và thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh.
Nguyễn Văn Tiệp đã lập gia đình. Vợ và con trai là động lực để anh cố gắng trong công việc dạy học
Sẽ tiếp tục dạy trong 10 năm nữa
Việt Trung là sinh viên năm 4, Đại học Thủy Lợi. Được bạn bè giới thiệu, Trung tìm đến lớp học tiếng Anh của Nguyễn Văn Tiệp ở Học viện Tài chính.
Nhận xét về thầy của mình, Trung chia sẻ: "Anh Tiệp giản dị và gần gũi với học trò. Bạn nào chưa hiểu hay cần trao đổi thêm, anh luôn nhiệt tình giúp đỡ. Mình cảm nhận được sự nỗ lực của anh khi đem văn hóa học tiếng Anh ở nước ngoài đến với sinh viên Việt Nam".
Tiệp đã cưới vợ và có một cậu con trai kháu khỉnh. Với anh, gia đình là động lực để anh có được thành công như ngày hôm nay. "Tôi cảm thấy may mắn khi có vợ hỗ trợ trong công việc. Bố mẹ cũng hiểu và thông cảm cho việc dạy học của tôi nên luôn ủng hộ, không cấm cản gì", Tiệp nói.
Tự nhận mình là người thẳng thắn, chăm chỉ và vui tính, Tiệp cho biết, niềm đam mê lớn nhất vẫn là học. Những lúc rảnh rỗi, anh dành thời gian đọc sách. 9X lên kế hoạch cho tương lai gần của mình: "Tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp dạy học trong 10 năm nữa. Tôi còn muốn đi du học để về nước phát triển thế hệ trẻ Việt Nam".
Theo Zing
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt theo năm