Cuộc sống hiện đại với nhiều mâu thuẫn nảy sinh khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên xa cách. Mô hình “Tam, tứ đại đồng đường” truyền thống đang ngày càng ít đi bởi không ít người trẻ muốn ở riêng, ăn riêng và cũng vì không hiểu nhau, không giải quyết được được sự bất hòa thường ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những câu chuyện thú vị về việc nhiều thế hệ chung sống đầm ấm dưới một mái nhà.
Gia đình tứ đại đồng đường đáng mơ ước
Nếu một lần đến thăm ngôi nhà của 2 cụ Nguyễn Văn Hưởng – Phạm Thị Tăng (số 1, ngõ 94, phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội), bạn sẽ ấn tượng bởi sự bình yên, ấm áp “đến lạ” lan tỏa ra từ một gia đình gồm 4 thế hệ yên vui sum vầy bên nhau. Bữa cơm gia đình chẳng cần sơn hào hải vị mà vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Chính những khoảnh khắc quây quần, cởi mở chia sẻ buồn vui, vướng mắc trong cuộc sống khiến giây phút đoàn tụ trở nên thân thương hơn bao giờ hết.
Ánh mắt cụ Hưởng sáng lên niềm tự hào khi chia sẻ rằng: “Tôi rất phấn khởi và thấy lòng thoải mái vô cùng khi gia đình đoàn kết, hòa thuận, hiếm khi nào thấy ai to tiếng với ai. Các cháu thì đều học giỏi, biết tôn trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Bởi vậy mà tuổi đã 92 nhưng tôi vẫn khỏe và vẫn có thể đi chơi đây đó”.
2 cụ Hưởng – Tăng trong "Ngày hội tôn vinh các gia đình tam – tứ đại đồng đường" tiêu biểu tổ chức vào tháng 6/2015
2 cụ Nguyễn Văn Hưởng và Phạm Thị Tăng nên duyên vào năm 1949, rồi có với nhau 3 người con (1 trai, 2 gái). Cụ Hưởng cho hay, họ đã ở bên nhau 65 năm, nhưng chưa bao giờ nói nặng với người kia một lời. Khi không gian vang lên tiếng cười con trẻ, các cụ càng xác định gắn bó với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn vì ân nghĩa sâu nặng. 4 thế hệ đang cùng sinh hoạt trong một khuôn viên rộng 130 mét vuông, và đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.
Đặc biệt, 7 con người sống chung một mái nhà, mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào xảy ra cãi vã, hay mâu thuẫn, va chạm... Ấy là do được nhờ cậy vào cụ Hưởng – điểm tựa tinh thần vững chắc, đáng kính cho tòan thể các thành viên.
Đại gia đình cụ Hưởng luôn bên nhau gắn kết, sẻ chia và thấu hiểu
Cụ Hưởng hào hứng khi nhắc đến tình cảm của bà con lối xóm dành cho mình cũng từ sự chính trực, hào sảng đúng chất "người Tràng An": “Vì được tín nhiệm nên tôi đã làm Bí thư ở đây được 17 năm, là Tổ trưởng dân phố đúng 30 năm”. Hầu hết người dân quanh khu vực phường Bạch Mai đều biết đến bậc cao niên hơn chín chục tuổi này bởi cụ không chỉ hăng hái, tận tụy với công tác đoàn thể mà còn chăm nom, nuôi dạy con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Người lớn gương mẫu thì con cháu mới noi theo
Khi được hỏi yếu tố nào làm nên sự đồng thuận giữa nhiều thế hệ dưới một mái nhà như vây, cụ Hưởng khẳng định đáp án chính là sự gương mẫu của vị trí rường cột trong gia đình. Người lớn phải biết phân biệt đúng sai, phải nắm được tâm lý của con trẻ thì mới có thể dễ dàng dạy dỗ, bảo ban. Điều đó sẽ tạo dựng nền tảng giúp thế hệ sau luôn nhìn vào mà tự uốn nắn lại bản thân – sau những sai sót dù là nhỏ nhất.
Dù đã gắn bó được 65 năm nhưng 2 cụ Hưởng – Tăng chưa bao giờ nặng lời, to tiếng với nhau
Ông Nguyễn Văn Thọ, con trai 2 cụ Hưởng – Tăng cũng cho rằng tất cả sự đoàn kết, thấu hiểu trong gia đình mình đều xuất phát từ tấm gương của thế hệ lớn nhất, rồi thế hệ sau sẽ học tập. “Mình học các cụ thân sinh ra mình, mình lại gương mẫu để con cháu noi theo. Trong cuộc sống tất nhiên bao giờ cũng có mâu thuẫn nhưng quan trọng là biết cách nhường nhịn nhau. Nhiều lúc bức xúc thật đấy, thế mà rồi rồi nhờ có "nếp nhà" thì lại bình tĩnh, suy xét cẩn trọng. Ai thấy mình gây lỗi thì tự điều chỉnh, rút kinh nghiệm để lần sau sẽ không mắc lỗi nữa” – ông Thọ cho biết.
Dạn dĩ và khá thành công trên thương trường, nhưng khi ở nhà, ông Thọ vẫn giữ trọn đạo làm con, luôn ghi nhớ lời khuyên của bố: “trước tiên cần nhẹ nhàng mỗi khi xảy ra mâu thuẫn”. Bởi vậy mà đôi lúc có nóng giận – dù là vấn đề đại sự – thì sau đó ông lại bình tĩnh nói chuyện, giảng giải. Vì thế, không khí trong nhà luôn đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.
Dù có đi nơi đâu, “gia đình vẫn là trên hết”
Cuộc sống hiện đại kéo theo sự thay đổi trong tư tưởng của nhiều người trẻ. Các cháu của cụ Hưởng cũng không phải ngoại lệ.
Ông Thọ tâm sự rằng: “Con trai, con dâu của tôi cũng từng có suy nghĩ muốn ra ở bên ngoài để thoải mái hơn những lúc có bạn bè, tiệc tùng. Tôi không ép buộc mà chỉ góp ý là con thử ở bên ngoài khoảng 6 tháng, nếu thấy tiện, thấy hợp thì ở. Nhưng sau 6 tháng thì 2 đứa lại quay về ở chung một nhà với ông bà, bố mẹ”.
“Tôi thấy rằng ở cùng nhau sẽ rất tốt khi được ông bà, bố mẹ trông nom, chăm sóc, những lúc ốm đau... Không nơi đâu tốt hơn vòng tay cha mẹ” – ông Thọ cho biết thêm.
Người ta thường bôn ba nhiều nơi trong suốt cuộc đời, nhưng gia đình luôn là chốn bình yên nhất để trở về và nương tựa!
Về phần mình, mỗi sáng thức dậy, cụ Hưởng vẫn đều đặn đến sinh hoạt và hướng dẫn câu lạc bộ “Sức khỏe ngoài trời” của tổ dân phố. Cụ mong muốn mọi người cao niên đều có thể chất tốt để tận hưởng cuộc sống. Hạnh phúc an yên bên con, cháu khiến cụ dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” vẫn tràn đầy năng lượng – niềm tin trong ánh mắt. Và với cụ, dù người ta thường bôn ba khắp nơi trong suốt cuộc đời, nhưng chỉ có một chốn bình yên để trở về và nương tựa!
Đó chính là tổ ấm gia đình!
Nguyễn Thảo
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn bài viết : XSMT