Tiến sĩ giấy – biểu tượng cho văn hóa hiếu học
Ngày xưa, ông tiến sĩ là món quà trân trọng nhất mà gia đình gửi gắm cho con cái nhân dịp Trung thu. Món đồ chơi này đồng nghĩa với mong muốn của bố mẹ về tương lai con cái – học hành chăm chỉ và đỗ đạt thành tài. Đây là một trong những biểu tượng đẹp về văn hóa hiếu học của người dân nước ta, ẩn chứa trong một món đồ chơi Trung thu đẹp đẽ cho trẻ em.
Tiến sĩ giấy gửi gắm ước mong con cháu đỗ đạt, thành tài của ông bà, cha mẹ
Ông tiến sĩ thường được làm bằng giấy màu đỏ, màu vàng vui mắt, có hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay, mão trạng nguyên và áo bào sặc sỡ. Khuôn mặt ông tiến sĩ được trang trí hồn hậu, tươi tắn, phù hợp là đồ chơi cho trẻ em. Các chi tiết cờ quạt, họa tiết ông hổ dưới chân áo được vẽ giản dị, nhẹ nhàng.
Sau đêm Trung thu, ông tiến sĩ sẽ ngự ở bàn học để các em nhỏ nhớ việc học hành
Khi thưởng trăng, ông tiến sĩ được bày ở vị trí trung tâm rất trang trọng, xung quanh là mâm ngũ quả và bánh Trung thu, sau đó mới tới đồ chơi khác như đèn con thỏ, đèn ông sao, tò he… Sau khi phá cỗ, trẻ em rước ông tiến sĩ đi quanh làng xóm cùng với các loại đèn lung linh. Cuối cùng, ông sẽ ngự ở bàn học để các em nhớ việc học hành.
Gợi nhớ các nhân vật dân gian với mặt nạ giấy bồi
Có một thời gian, mặt nạ giấy bồi – món đồ chơi Trung thu của Việt Nam tưởng chừng bị lấn át bởi các loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt. Mùa Trung thu năm nay, những chiếc mặt nạ giấy bồi dần xuất hiện trở lại với hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như: ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở...
Mặt nạ giấy bồi được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên
Ngoài ra còn có mặt nạ của các nhân vật trong truyện cổ tích nước ngoài để các em nhỏ hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích trong đêm trăng rằm.
Mặt nạ giấy bồi là loại đồ chơi kỳ công. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay các đồ chơi khác thường được bố mẹ, hoặc các bác nông dân khéo tay làm, hướng dẫn cho bọn trẻ trong làng cùng tham gia. Họ cũng kể cho chúng nghe những tích khác nhau về từng chiếc mặt nạ. Sau này, việc làm mặt nạ hay đồ chơi dân gian không còn duy trì ở từng gia đình mà được di chuyển về làng nghề, phố nghề.
Món đồ chơi này cũng lôi cuốn bạn nhỏ người nước ngoài
Ông đánh gậy trông trăng – kỳ vọng về thế hệ góp sức giúp nước, giúp dân
Nếu ông tiến sĩ giấy thể hiện ước mơ về học thức thì ông đánh gậy là món đồ chơi tượng trưng cho lời chúc và mong muốn của cha ông về một thế hệ khỏe mạnh về thể chất, có thể góp sức giúp nước, giúp dân.
Ông đánh gậy được bày trong mâm cỗ Trung thu
Khi kết hợp 2 ông đánh gậy với 1 ông tiến sĩ sẽ thành một bộ hoàn chỉnh tượng trưng cho "quan" và "lính".
Đầu sư tử – ước mong may mắn
Đầu sư tử là 1 trong những đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam được trẻ em yêu thích, mang ý nghĩa thịnh vượng, may mắn và điềm tốt lành.
Múa lân được các em nhỏ yêu thích vì tính chất vui nhộn
Nếu các anh lớn có đầu sư tử đại, trống da trâu, quần áo, phục trang tươm tất để thể hiện các màn múa lân, sư tử điêu luyện thì các em nhỏ cũng có đầu tư tử, trống ếch “cắc tùng” để bắt chước và thỏa mãn niềm vui thích của mình trong ngày tết Thiếu nhi.
Đầu sư tử đại có cốt bên trong được làm bằng song và tre, ngoài bồi bằng giấy và vẽ tay. Cho đến tận bây giờ, món đồ chơi này vẫn chiếm được nhiều cảm tình của các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.
Đến nay, đây vẫn là đồ chơi truyền thống được phụ huynh và các em nhỏ ưa thích
Tò he – giấc mơ trẻ thơ muôn màu sắc
Giữa muôn vàn món đồ chơi Trung thu truyền thống đánh thức sự hiếu động, hoạt bát của trẻ thì tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ. Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu.
Tò he được làm từ những vật liệu thân thuộc với ruộng đồng
Từ những nguyên liệu thân thuộc với ruộng đồng như: bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre, với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.
Tò he một trong số ít những món đồ chơi Trung thu dân gian còn tồn tại đến nay.
Tò hè gắn với thế giới tuổi thơ đầy màu sắc
Trò chơi Trí Uẩn – khẳng định trí tuệ Việt
Trí Uẩn là món đồ chơi giàu sức sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng do người Việt tạo ra. Trò chơi Trí Uẩn, được chính Bác Hồ đặt tên theo người tạo ra nó là cụ Nguyễn Trí Uẩn (Hà Đông, Hà Nội). Đây là trò chơi ghép hình từ 7 miếng gỗ. Những miếng gỗ trông tưởng chừng không có hình thù rõ rệt những khi sắp xếp lại tạo ra những hình tượng đầy sống động, linh hoạt.
Trí Uẩn thể hiện sự sáng tạo, trí tuệ của người Việt
Trò chơi này từng gây ấn tượng rất mạnh cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Những biến ảo của trò chơi từ 7 mảnh gỗ nhỏ nhoi có thể tạo nên vô số hình ảnh không ngừng phát triển theo thời gian, đến nay như một trò chơi dân gian với nhiều dị bản.
Tàu thủy sắt tây và thỏ đánh trống – sản phẩm của bàn tay sáng tạo
Ngày nay, có lẽ nhiều trẻ nhỏ không có khái niệm gì về món đồ chơi tàu thủy sắt tây trong dịp Trung thu. Còn với nhiều người lớn, nhất là những người trải qua thời bao cấp thì món đồ chơi này lại nhắc về một tuổi thơ khó quên.
Tàu thủy sắt tây là món đồ chơi thể hiện sự khéo tay của nghệ nhân
Dù không phải đồ chơi Trung thu truyền thống nhưng tàu thủy sắt tây là thứ đồ chơi thủ công mang đậm tính sáng tạo của người Việt. Qua bàn tay của người thợ thủ công, những vỏ lon sữa bò, mảnh sắt bỏ đi không hình dáng được tạo hình rõ nét trở nên sống động, đẹp xinh và chạy được trên mặt nước với hình ảnh lá cờ Tổ quốc gắn ở mũi tàu.
Ngày nay, món đồ chơi này rất hấp dẫn khách nước ngoài
Phía dưới buồng hơi được làm bằng sắt, phía trên phủ những lá đồng mỏng. Buồng hơi được nối với 2 ống dẫn nhỏ ra ngoài vỏ tàu. Đây chính là bí quyết để tàu chạy được và có tiếng kêu "bành bạch" rất đặc trưng.
Giống tàu thủy, thỏ đánh trống cũng được làm bằng sắt tây và không còn là món đồ chơi phổ biến ngày nay. Trước kia, thỏ đánh trống được làm bằng vỏ hộp sữa. Khi chuyển động, con thỏ sẽ gõ vào trống phát ra tiếng kêu vui tai.
Trẻ em bây giờ ít biết đến chú thỏ đánh trống làm từ vỏ hộp sữa
Hẳn là, hình tượng này được sáng tạo dựa vào tích Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8.
TRUNG THU NƯỚC VIỆT – TẾT ẤM TÌNH THÂN Bên cạnh tính chất lễ hội ăn mừng mùa vụ của người xưa, Tết Trung thu Việt Nam truyền thống còn là phong tục nhắc nhủ chúng ta coi trọng giá trị tốt đẹp của tình yêu thương, thân hữu, là dịp để cha mẹ, gia đình thể hiện tình cảm nâng niu, quan tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ. “Hương xưa nếp cũ” ở cách thưởng – cách chơi hồn nhiên mà tài hoa, tinh tế của cha ông. Sức cuốn hút từ làng nghề thủ công đương đại và những món đồ chơi Trung thu truyền thống đã thổi hồn vào đêm rằm lung linh. Biết bao suy tư, trăn trở về Trung thu xưa – nay. Cách dạy dỗ, gieo mầm nhân ái – hiếu học cho trẻ thơ. Các địa chỉ xem – ăn – chơi... lý thú nhân dịp Tết Trông trăng. Sự sẻ chia đáng quý được nhân rộng trong cộng đồng. Không khí tưng bừng chào đón một trong những ngày lễ lớn nhất năm đậm đà bản sắc, ngọt ngào thời khắc đoàn viên của người Việt… Qua đó, chuyên đề “Trung thu nước Việt – Tết ấm tình thân” của Thời Đại Online hy vọng sẽ đem lại cho độc giả một lát cắt toàn cảnh sắc nét và đong đầy niềm tự hào dân tộc xung quanh đêm hội trăng rằm từ quá khứ cho tới hiện tại! |
Mạnh Phúc
Nguồn bài viết : CHUYỆN BÓNG ĐÁ