Hậu phương của những thương binh nặng

2025-01-17 20:38:19

Câu nói ấy của người thương binh Nguyễn Tài Triệu trong cuộc trò chuyện với tôi tại nhà riêng ở phường Kim Mã (Hà Nội) thực sự làm tôi xúc động vì tình cảm, lòng trân trọng, biết ơn người phụ nữ đã cùng ông đi qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Thời chiến, những người lính như ông đã vịn vào cây súng, vịn vào đồng đội mà bước đi. Còn về với thời bình, không may trở thành thương binh, nơi mà các ông có thể dựa vào để sống và bước tiếp không ai khác chính là người vợ của mình.

Nhìn cách ông vừa một tay vịn vào thành ghế, một tay chống mặt bàn để đứng dậy cầm chiếc nạng gỗ rồi tập tễnh nâng một bên chân bị cụt đi về phía cầu thang để gọi: “Bà nó ơi!”, tôi thầm hỏi liệu đây có phải tiếng gọi mà bao năm nay ông vẫn gọi bà lúc trái gió trở trời khi bị vết thương hành hạ?

“Chỉ có bà ấy bên tôi trong những cơn đau”

Bà Hoàng Thị Oanh, người con gái Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) có một thời gian dài làm công nhân Nhà máy in Ngân hàng Quốc gia. Cũng trong thời gian đó bà gặp ông Triệu khi ấy bị cụt một chân và làm nhân viên bảo vệ của nhà máy. Không nề hà chuyện ông Triệu bị cụt chân, lại chỉ là một nhân viên bảo vệ quèn, bà đã đem lòng yêu ông sau những lần đi qua cửa được ông trò chuyện hỏi han và được “tập thể vun vào”. Những ngày đầu đất nước mới thống nhất, tiếng nói tập thể là có sức nặng lắm.

Chấp nhận yêu và xác định lấy một người thương binh đã được xếp vào diện “nan y tàn phế” bà đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Trước hết là sự phản ứng của người thân, bạn bè và đâu đó cũng có những “lời ong tiếng ve”. Người ta bảo bà là người con gái dại dột “đường quang không đi lại muốn quàng bụi rậm”.

Dù chỉ còn một chân, đi lại rất khó khăn, công việc lại đang ở vị trí thấp nhưng lại cưới được vợ Người Hà Nội nết na, còn là cán bộ nhà máy, niềm vui của ông Triệu không thể thốt nên lời. Không biết có phải vì động lực ấy mà đã giúp ông nỗ lực phấn đấu từ một anh bảo vệ lên làm cán bộ phòng tổ chức cán bộ tiền lương và sau đó lên làm Trưởng phòng tổ chức cán bộ tiền lương của Nhà máy in Ngân hàng trong suốt 30 năm, sau khi đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác do sự tin tưởng phân công của cơ quan đơn vị.

Vợ chồng ông Nguyễn Tài Triệu.

“Có bà nó ở đây” - ông Triệu nói và nhìn về phía bà Oanh. “Tôi được như ngày hôm nay cũng may là nhờ có bà ấy. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương đau nhói, có những cơn đau dữ dội giật mạnh hất tôi ra khỏi giường. Những lúc ấy chỉ có vợ chăm tôi chứ con cái tôi cũng không cho biết”. Ông Triệu ghi nhận những gì ông có được hôm nay phần lớn là công của vợ. Một tay bà đảm đang mọi việc mà không bao giờ phàn nàn, chì chiết, than thở.

Người vợ “Nuôi đủ năm con với một chồng”

Cùng là vợ của thương binh nhưng không phải ai cũng may mắn được ở TP, có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, thu nhập hàng tháng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Hoàn cảnh của bà Lê Thị Cúc, sinh năm 1953 quê ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) có chồng là thương binh bị liệt chân, mù một bên mắt, từ lâu đã trở thành một câu chuyện cảm động “như cổ tích” của cả một vùng bên bờ sông Mã, dưới chân cầu Hàm Rồng.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tuổi chưa tròn 18 bà Cúc đã viết đơn xin vào chiến trận. Tháng 3 năm 1971 bà vào Trung đoàn 14. Cuối năm 1972, đơn vị tổng kết toàn quân rồi tổng tiến công vào chiến trường miền Nam, một số bộ đội vào Nam chiến đấu, một số được phân công đi làm nhiệm vụ mới. Đơn vị cho bà học quân y. Khi nghe tin đoàn tù binh Phú Quốc được trao trả vào tháng 3 năm 1973, bà viết đơn xin trực tiếp đi đón và chăm sóc anh em thương binh nặng, đặc biệt là số anh em thương binh bất động.

Thương binh bất động là thương binh nằm liệt giường, cụt hai chân, mù hai mắt, cụt hai tay. Cũng trong những ngày tháng chăm sóc thương binh nặng, bà gặp ông Chữ - chồng của bà bây giờ. Ông bị liệt chân, một bên mắt bị thương (sau này đã bị mù) và còn nhiều mảnh kim khí găm trong người. Ông là thương binh nặng, bà là cô y tá nhưng cái duyên đưa hai người đến với nhau lại là những lần hoạt động văn nghệ phong trào. Trong quá trình làm việc, bà Cúc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu và lấy ông vì như lời bà kể, khi ấy ông: “Không thể mê được, người đen sì, gầy gò, nhếch nhác, đã vậy còn què, còn liệt...”. Khi đó bà Cúc là một cô gái rất trẻ và xinh đẹp.

Vợ chồng bà Lê Thị Cúc.

Nhưng rồi chuyện duyên số thường không ai có thể biết trước và cưỡng lại được. Gặp gỡ rồi mến nhau, sau đó ông Chữ ngỏ lời yêu với bà. Dù quý mến ông vì ông tuy bị liệt nhưng lại nghiêm túc, chững chạc, cương nghị. Thế nhưng, khi ấy bà còn quá trẻ, không thể không băn khoăn cho tương lai của mình. Lúc đầu, bà nhận lời làm anh em kết nghĩa. Sau này, ông Chữ xin cưới bà, bà băn khoăn lắm: “Lấy thì rất khó khăn, người con gái mới lớn không biết thế nào được. Không lấy thì thương vì sợ ông ấy đau lòng” - bà Cúc bộc bạch.

Một thời gian sau, tình thương trong bà đã chiến thắng tất cả, bà nghĩ chỉ vợ chồng mới hiểu và thương nhau hết lòng được nên bà gật đầu đồng ý lấy ông. Cái gật đầu của bà khi ấy có cả tình thương và cũng có cả sự nông nổi của người con gái mới lớn. Khi về ra mắt gia đình, ai cũng nói: “Đứa con gái trẻ vậy lại lấy người tàn phế, sau này làm sao mà có con, làm sao để nuôi được chồng?”. Bà ngắc ngứ bảo: “Cũng chưa biết phải như thế nào nữa ạ!”.

Ông Chữ là người Hà Tĩnh, nhưng cưới xong hai vợ chồng bà về Thanh Hóa sinh sống. Hàng ngày, ngoài làm công tác xã, đoàn ở địa phương bà còn được phân một mẫu hai ruộng, kết hợp với chăn nuôi và làm nghề dạy trẻ. Niềm vui lớn nhất của hai vợ chồng là khi biết tin bà mang thai, vì vết thương của ông Chữ khiến ông có nhiều khả năng là không thể có con. Bởi vậy mà có thai đến tháng thứ tư rồi bà cũng không biết, đi khám bà còn xấu hổ vì không tin mình có thể có con. Khi biết chắc là mình đã mang thai, cảm giác lúc đó được bà diễn tả lại sau nhiều lần cố thốt nên lời với tôi lúc trò chuyện là: “Mừng cực kỳ luôn, mừng chảy nước mắt”.

Có thai đến tháng thứ 5, thứ 6 bà vẫn đi gặt, đi gánh lúa. Ông Chữ thương vợ nên tìm cách làm hộ mà ngã lên ngã xuống càng làm cho bà phải bận tâm nhiều hơn, thương chồng bà nói: “Một đon thóc em gánh “dốn” còn được mà”. Người con gái đầu lòng ra đời năm ấy đã mang lại bao nhiêu niềm vui và hy vọng đến với cuộc sống của ông bà. Nhưng hai lần sinh nở tiếp theo không thành khiến cho nỗi lo về chất độc màu da cam luôn ám ảnh hai vợ chồng, nhất là khi đứa con thứ 4 được sinh ra dù cơ thể bình thường nhưng chậm nói... Ngày tháng nuôi con nhỏ là chuỗi ngày lo lắng đến bạc đầu của vợ chồng bà Cúc.

Ông bà sinh thành được 3 người con, nhận nuôi một người con gái và cưu mang một người con trai. Hiện, người con lớn đã lập gia đình, có công việc ổn định. Anh con trai thứ là giám đốc một công ty chuyên về xây dựng. Người con thứ 3 đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Hai người con nuôi vẫn đang học đại học. Nhớ lại những năm tháng nuôi con ăn học, bà Cúc không khỏi nghẹn ngào: “Có những thời điểm nuôi ba đứa học đại học một lúc, phải đi vay mượn bên ngoài với lãi suất rất cao. Số nợ hồi vay cho con đi học, gia đình mới trả hết năm ngoái”.

Buổi trò chuyện khép lại, điều đọng lại và văng vẳng trong đầu tôi cho đến khi ra về là câu nói tận đáy lòng của ông Chữ: “Nếu không có bà ấy, không biết rồi đời tôi sẽ thế nào. Mẹ tôi trước khi nhắm mắt phải đợi bằng được bà ấy về. Mẹ tôi thương đứa con dâu này nhất mà”.

Theo tìm hiểu của ông Nguyễn Tài Triệu trong những lần tham gia sinh hoạt hội Hà Nội còn khoảng hơn 1.000 thương binh đang sống và sinh hoạt với đời thường, vậy là còn chưa kể các địa phương khác. Điều này cho thấy con số những người bạn đời của thương binh cũng là không hề nhỏ. Và những người vợ như bà Cúc, bà Oanh đâu đó còn rất nhiều, họ lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến cho chồng con, gia đình và xã hội…

Theo Kinh tế đô thị

Nguồn bài viết : Xổ số miền Bắc hôm quả

Top