Dép tông trôi dạt vào bờ biển Kenya. (Ảnh: CNN)
Theo truyền hình CNN, bờ biển Watamu ở Kenya vốn rất nguyên sơ. Tuy nhiên, những chiếc dép tông từ thượng nguồn trôi xuống đã hủy hoại môi trường sống ở đây và tình trạng này là khá phổ biến ở nhiều vùng biển khác.
Người Nhật gọi dép tông là zoris. Chúng được người Australia gọi là thongs. Những tên gọi khác là tsinelas ở Philippines và chinelos ở Brazil. Các nhà khảo cổ học từng phát hiện một cặp "dép tông" Ai Cập cổ đại làm từ da thuộc, có niên đại vào khoảng 3.500 năm trước.
Cô Erin Smith, thuộc nhóm bảo tồn và tái chế Ocean Sole (OS), cho biết: "Hơn 3 tỷ người chỉ có thể mua loại giày dép này (dép tông). Họ đeo chúng, sửa chữa chúng, dán băng dính rồi sau đó thường vứt chúng vào sọt rác". Tuổi thọ trung bình của một đôi dép tông là 2 năm, cô Smith nói thêm.
Dép tông đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là loại có kiểu dáng hiện đại, làm từ cao su tổng hợp. Trên thực tế, hàng tấn dép tông phế thải đang trôi nổi khắp các bờ biển ở Đông Phi.
Nhân viên của tổ chức OS thu gom dép tông để tái chế. (Ảnh: CNN)
Những báo cáo cho thấy ít nhất 8 triệu tấn nhựa bị thải ra các đại dương mỗi năm. Theo một ước tính, tới năm 2050, khối lượng các loại rác thải này có thể còn lớn hơn tổng khối lượng cá biển.
Theo cô Smith, phần lớn dép tông phế thải trôi đến Kenya từ châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc. Những dòng hải lưu khiến chúng trôi đi khắp bờ biển Đông Phi hoặc dạt về phía Nam. Một số thậm chí còn đi xa hơn, đi ra Ấn Độ Dương và tới tận Nam Mỹ.
Tổ chức OS cho biết: mỗi năm, có khoảng 90 tấn dép tông xuất hiện trên các bờ biển Đông Phi và đây là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. "Chúng tôi là những người thực sự phải hứng chịu sự ô nhiễm môi trường biển từ phần còn lại của thế giới" - cô Smith nhấn mạnh.
Dép tông không chỉ hủy hoại cảnh quan, ngăn chặn nguồn cung cấp nước sạch, mà còn là một mối nguy hại trực tiếp đối với sức khỏe con người bởi chúng không có khả năng phân hủy sinh học.
Cô Smith chia sẻ: "Sự ô nhiễm bắt đầu giết chết thực vật, rồi tới cua biển... Chúng ta đã phải bỏ hoang nhiều bãi biển từng có người ở, những nơi từng có thể đánh cá, những khu vực mà toàn bộ hệ sinh thái đã bị hủy hoại do tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường biển".
Rác thải nhựa đang giết chết môi trường sống của các sinh vật biển. (Ảnh: CNN)
OS đã đào tạo được 40 người tại một công xưởng ở Thủ đô Nairobi (Kenya) để chế tác các sản phẩm nghệ thuật từ dép tông bỏ đi, nhằm kiếm thêm thu nhập. Thu gom số dép tông phế thải từ các bờ biển, mỗi năm OS có thể tái sử dụng khoảng 800.000 đôi.
Mục tiêu của OS là sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm. Các sản phẩm này từng được gửi tới nhiều nơi nhằm nhắc nhở sự nguy hại của chúng đối với hành tinh: Tuần lễ thời trang Rome năm 2008, Bảo tàng Văn hóa Thụy Điển năm 2010, Sở thú London năm 2013 và Đức Giáo hoàng Francis năm 2015.
Trong khi đó, hãng sản xuất đồ dùng thể thao Adidas (Đức) đã bắt đầu thử nghiệm chế tạo dép tông bằng các chất liệu có khả năng tái tạo hoặc tự phân hủy sinh học (AMSilk).
Chúng ta sẽ phải chờ đợi để các công nghệ mới này trở thành hiện thực. Điều quan trọng nhất lúc này là nhận thức rõ được mối nguy từ những chiếc dép tông, hạn chế sử dụng và vứt bỏ chúng ra môi trường.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : TK tần suất loto