Nước biển dâng do biến đổi khí hậu khiến một số thành phố thường xuyên bị ngập lụt
Theo báo cáo chung của WB và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thảm họa (GFDRR) mà WB quản lý, các thành phố tăng trưởng nhanh - đặc biệt tại những quốc gia phát triển - chưa sẵn sàng đối phó với các thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu.
Trên toàn cầu, có hơn 1 tỷ người - chiếm tỷ lệ 1/7 dân số thế giới - có mức sống dưới 1,25 USD/ngày. Vào năm 2030, con số này có thể tăng thêm 77 triệu người, trừ khi các thành phố lên kế hoạch chu đáo hơn trước các thảm họa, WB cho biết.
Dựa trên kết quả báo cáo, tổ chức có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) đã kêu gọi các chính phủ đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho các dự án bảo vệ những thành phố nghèo nhất, nhằm chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, như tình trạng nước biển dâng.
Ông Ede Ijjasz-Vasquez, một giám đốc cấp cao của WB, tuyên bố: "Việc đầu tư cho các biện pháp phục hồi ngay hôm nay là cơ sở để đảm bảo cho một tương lai an toàn và thịnh vượng cho các thành phố trên thế giới và cho những người dân sống tại đó".
"Chúng ta đang tiến dần tới điểm giới hạn về mặt an toàn đối với các thành phố trên toàn thế giới" - ông Ede Ijjasz-Vasquez nhấn mạnh thêm.
Các chuyên gia cho biết: việc đảm bảo cho cơ sở hạ tầng đô thị mới - để có thể chống lại rủi ro khí hậu đang ngày càng gia tăng - sẽ đi kèm với chi phí thực hiện vào khoảng 1.000 tỷ USD/năm trên toàn thế giới.
Nếu thất bại trong việc hiện thực hóa các khoản đầu tư nói trên, mức độ thiệt hại mà các thành phố phải hứng chịu có thể tăng từ 250.000 tỷ USD/năm hiện nay lên 314.000 tỷ USD/năm, WB cho biết.
Theo WB, để có đủ kinh phí thực hiện các dự án, việc bổ sung đầu tư tư nhân sẽ là cần thiết trong việc tăng cường nguồn vốn sẵn có của chính phủ các nước.
Cảnh báo của WB được đưa ra trước khi Liên Hợp Quốc tổ chức một hội nghị về nhà ở và phát triển đô thị bền vững tại Ecuador vào tuần tới. Mục đích của hội nghị này là nhằm đưa ra một lộ trình phát triển trong vòng 20 năm tới.
Trọng Sang
Nguồn bài viết : XSMB hôm qua