Cuộc sống ở thị trấn lạnh giá nhất hành tinh

2025-01-17 20:38:25

Theo thống kê, nhiệt độ trung bình của mùa đông ở Oymyakon là -50 độ C. Thậm chí, vào năm 1924, mức nhiệt thấp nhất được ghi lại tại đây là -71,2 độ C!

Dưới đây là bộ ảnh về chuyến đi tới thị trấn Oymyakon, do nhiếp ảnh gia – nhà thám hiểm Amos Chapple ghi lại:

Chapple bắt đầu hành trình tại thành phố Yakutsk – thủ phủ tỉnh Sakha ở miền Bắc nước Nga. Đây cũng là thủ phủ lạnh nhất thế giới.

Dân số thành phố vào khoảng 300.000 người. Trong những ngày Chapple lưu lại, nhiệt độ trung bình ở ngưỡng -34 độ C.

Tuy nhiên, Chapple nhận xét rằng: người dân ở Yakutsk rất tuyệt vời, “họ thân thiện và ăn vận những trang phục rực rỡ”.

Để chống lại cái lạnh khủng khiếp, cư dân Yakutsk sử dụng Russki, hay trà đen của người Nga – cách gọi thân mật đối với rượu vodka.

Chapple trú tại một nhà khách nhỏ ở Yakutsk trước khi kết thân với người dân địa phương. “Tôi cố nấu một bữa ăn cho họ thay cho lời cảm ơn, nhưng thật khó có thể làm món khoai tây chiên ở vùng lạnh giá ở sâu trong khu vực Siberia” – nhiếp ảnh gia cho biết.

Ngành thương mại kim cương phát triển mạnh góp phần tạo nện một nền kinh tế đa dạng và ổn định tại Yakutsk.

Những ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh Lạnh ít tác động tới khu vực, cũng như dân tộc Yakuts không mấy quan tâm tới tình hình nước Nga.

Yakutsk là cửa ngõ để vào Oymyakon – thị trấn được coi là nơi lạnh nhất có người sinh sống. Muốn đến được Oymyakon, người ta thường phải đi 2 ngày liên tục, băng qua chặng đường dài và cô độc. Chapple bị mắc kẹt 2 ngày khi mới đi được nửa đường.

Những trạm xăng dọc theo tuyến đường mở cửa 24 giờ mỗi ngày, bởi vì những chiếc xe phải hoạt động liên tục ở nhiệt độ thấp như vậy. Công nhân tại các trạm xăng làm việc theo ca 2 tuần liên tục.

Chapple bị mắc kẹt 2 ngày trong một nhà khách nhỏ bé, nằm tách biệt trong khu đất hoang lạnh lẽo bên đường có tên “Café Cuba”. Ông sống sót nhờ súp tuần lộc và trà nóng trong khi chờ đợi để bắt được một chiếc ô tô khác.

Chapple kể lại: “Tôi bắt được xe, và gặp những người có thái độ vừa hiếu kỳ lại vừa dọa nạt. Tôi phải ăn máu ngựa đông lạnh và mì ống cùng gia đình này trước khi được thả xuống ở Oymyakon”. Di tích gần lối vào của thị trấn ghi lại nhiệt độ thấp kỷ lục -71,2 độ C của năm 1924. Tấm biển cũ kỹ có ghi: “Oymyakon, Cực của Lạnh giá”.

Hiện nay, nhiệt độ trung bình của thị trấn trong mùa đông là khoảng -50 độ C. Thật khó tin, khi trong ngôn ngữ của người Siberia, Oymyakon mang nghĩa “nước không đóng băng”. Người ta tin rằng nó tượng trưng cho các suối nước nóng tại thị trấn mà những người chăn nuôi tuần lộc thường sử dụng.

Tại Oymyakon, cái lạnh khủng khiếp khiến một nhà thám hiểm nhiều kinh nghiệm như Chapple cũng phải sửng sốt. “Điều ngạc nhiên là đôi khi nước bọt của tôi cũng bị đóng băng, chúng hóa thành những mũi kim đâm vào môi”. Theo nhà thám hiểm, chỉ sống 1 ngày trong môi trường này đã đủ “mệt mỏi”.

Chụp ảnh cũng không phải điều dễ dàng gì ở Oymyakon: “Hơi thở ra mịt mù, dày đặc như khói xì gà. Vì vậy, tôi phải nín thở khi chụp ảnh. Việc lấy nét cũng mất thời gian hơn, vì cái lạnh ảnh hưởng tới kết cấu cơ học của ống kính máy ảnh".

Mặt đất đóng băng hoàn toàn khiến người dân không thể kéo ống nước vào nhà để sử dụng. Thay vào đó, họ buộc phải tắm ngoài trời. Việc đi từ nhà ra phòng tắm bên ngoài đúng là cực hình.

Việc chôn cất người chết ở Oymyakon gặp khó do mặt đất bị đóng băng. Trước khi mai táng, người ta phải đốt những đám lửa thật lớn để “sưởi ấm” và làm cho đất mềm hơn.

Chapple từng hy vọng cư dân nơi đây sẽ vui mừng chào đón người mới đến. Tuy nhiên, thực tế thì điều ấy lại không xảy ra. “Những người duy nhất ở bên ngoài, hoặc là lăm lăm che mặt bằng găng tay, hoặc lại say xỉn” – Chapple cho hay.

Vì mặt đất quá lạnh để có thể trồng rau, cư dân Oymyakon phải sống dựa vào chăn nuôi, hoặc làm việc tại thành phố như các nhà máy nhiệt điện để có thêm thu nhập.

Điều này cũng ảnh hưởng tới thói quen ăn uống của họ. Phần lớn trong thực đơn của người Oymyakon là các loại cá đông lạnh, và thậm chí cả gan ngựa. Món ăn chủ yếu ở đây là súp thịt.

Cư dân thị trấn chấp nhận sự khắc nghiệt của thời tiết, và tự hào về dân tộc Yakuts. Chapple nhận xét: “Cuộc sống vẫn tiếp diễn giống bất cứ nơi nào khác, nhưng phải luôn dè chừng nhiệt kế. Dưới -30 độ C, mọi thứ sẽ bắt đầu ngưng trệ”.

Dù bạn có tin hay không, khi mùa hè đến với mảnh đất này, nhiệt độ có thể lên mức khá cao. Kỷ lục nhiệt độ mùa hè ở Oymyakon là 35,5 độ C. Tuy nhiên, những tháng hè thật ngắn ngủi, trong khi mùa đông băng giá sau đó thì kéo dài tưởng như vô tận.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : Power 6/55

Top