Từ bao đời nay, người dân Việt Nam luôn kính trọng người cao tuổi
Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống nước ta
Cùng với sự phát triển của thế giới, dân số loài người đang già đi nhanh chóng. Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng đã tác động tới toàn bộ các khía cạnh của đời sống xã hội trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia. Tại Việt Nam, theo dự báo của Tổng cục Dân số, nước ta sẽ bước vào giai đoạn “già hoá dân số” vào năm 2017. Với điều kiện kinh tế kém phát triển, thu nhập của người lao động không cao, chăm sóc người cao tuổi thực sự là một bài toán không hề đơn giản đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, kính trọng, biết ơn và phụng dưỡng người cao tuổi luôn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những bậc cao niên ở nước ta luôn được chăm lo tạo mọi điều kiện để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần cải thiện đời sống của người cao tuổi cả về vật chất và tinh thần: Luật Người cao tuổi; chính sách trợ cấp xã hội; chủ trương chúc thọ, mừng thọ; thăm hỏi, động viên người già neo đơn; hỗ trợ người lớn tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Các cụ già Việt Nam tập dưỡng sinh để rèn luyện thân thể
Hiện có nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí đang được triển khai tới những người cao tuổi
Từ năm 2015, tháng 10 hàng năm sẽ được chọn làm "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam". Điều này càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với những người cao tuổi trên mảnh đất hình chữ S, từ hệ thống chính trị cho tới các tổ chức cộng đồng, cơ quan đoàn thể, từng gia đình và mỗi cá nhân. Theo đó, bên cạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tất cả các thành phần xã hội sẽ chung tay hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống vật chất – tinh thần và phát huy vai trò người cao tuổi. Có thể nói, chưa bao giờ, các bậc cao niên ở Việt Nam lại được quan tâm, chăm sóc tận tình đến thế.
Mặc dù vậy, không phải người cao tuổi nào cũng được phụng dưỡng chu đáo. Có một thực tế đáng buồn là: đâu đó trên đất nước Việt Nam, đôi khi ta vẫn thấy xuất hiện những cụ già phải còng lưng kiếm sống qua ngày, hoặc sống một mình, không ai chăm sóc… Điều này khiến cho chúng ta phải nghiêm khắc kiểm điểm bản thân, rút ra bài học và cùng cố gắng hơn nữa để cải thiện đời sống cho người cao tuổi.
Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), Thời Đại Online kính mời quý độc giả chu du vòng quanh thế giới, cùng quan sát cách đối xử với những bậc cao niên ở một số quốc gia và khu vực tiêu biểu:
1. Trung Quốc
Tết Trùng cửu ở Trung Quốc là dịp để chúc các cụ già mạnh khỏe, sống lâu
Kính trọng người lớn tuổi là nét đẹp trong văn hóa Trung Quốc
Kính trọng những đấng sinh thành là một truyền thống đẹp đẽ trong văn hóa Trung Quốc, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Thậm chí, điều này đã được luật hóa trong hệ thống luật pháp hiện hành. Tại Trung Quốc, con cái trưởng thành bắt buộc phải có trách nhiệm hỗ trợ tài chính và tinh thần đối với cha mẹ lớn tuổi. Nếu không hoàn thành được nghĩa vụ này, con cái có thể bị các bậc phụ huynh khởi kiện. Các công ty cũng được yêu cầu tạo điều kiện để nhân viên có thời gian chăm sóc cha mẹ, mặc dù đây rõ ràng là một điều khó thực hiện.
Nếu như thế giới lấy ngày 1/10 làm ngày Quốc tế Người cao tuổi, Trung Quốc lại có Tết Trùng cửu (9/9 Âm lịch) với ý nghĩa tương tự. Vào ngày lễ này, người ta trèo núi, cắm thủ dũ (một loại thực vật dùng để làm thuốc, có mùi thơm), uống rượu hoa cúc và chúc các cụ già mạnh khỏe, sống lâu.
2. Nhật Bản
Các cụ già Nhật Bản tập thể dục trong Ngày kính trọng người cao tuổi (Keiro no hi)
Ngày lễ Keiro no hi là dịp để tôn vinh và biết ơn những bậc cao niên
Cư dân xứ sở hoa anh đào cũng quan tâm đặc biệt tới người lớn tuổi. Từ nhiều thế kỷ nay, ngày thứ hai của tuần thứ 3 trong tháng 9 được chọn làm Ngày kính trọng người cao tuổi (Keiro no hi) – một ngày lễ mang tầm vóc quốc gia với mục đích tôn vinh và tỏ lòng biết ơn những người cao tuổi.
Theo truyền thống, đó cũng là một kỳ nghỉ mà người ta tạm quên đi công việc, cùng dùng bữa với ông bà cha mẹ, dành tặng cho họ những món quà ý nghĩa. Bên cạnh đó, nhiều tình nguyện viên còn trao cơm hộp tới tận tay những người lớn tuổi. Tại một số ngôi làng nhỏ, thanh thiếu niên và trẻ em cùng vui chơi, nhảy múa để chào mừng ngày lễ này. Với tinh thần “không bỏ quên bất cứ người lớn tuổi nào”, ngay cả những người già neo đơn cũng được chăm sóc chu đáo.
3. Hàn Quốc
Người dân xứ Hàn rất kính trọng người cao tuổi
Theo truyền thống, khi người đàn ông đủ 60 tuổi, họ có thể nghỉ ngơi để con trai phụng dưỡng
Không chỉ kính trọng người già, Hàn Quốc còn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm cho họ. Đối với người dân nơi đây, ngày sinh nhật 60 và 70 tuổi được coi là một sự kiện trọng đại trong đời. Gia đình sẽ tổ chức một buổi lễ mừng thọ trang trọng, quy mô cùng với tiệc ăn mừng. Theo truyền thống, 60 tuổi cũng là cột mốc để một người đàn ông Hàn Quốc có thể nghỉ ngơi và để cho con trai của mình phụng dưỡng. Giống như văn hóa Trung Quốc, khi cha mẹ lớn tuổi, con cái sẽ coi việc chăm sóc các bậc sinh thành như là nhiệm vụ và danh dự của chính mình.
4. Anh và Mỹ
Chỉ rất ít người cao tuổi ở Anh/Mỹ sống cùng con cháu
Trong khi phần lớn chuyển tới các cộng đồng hưu trí, viện dưỡng lão hay những trung tâm chăm sóc sức khỏe
Hai quốc gia đại diện cho văn hóa phương Tây đặc trưng, có xu hướng đặt giới trẻ làm trung tâm và nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân, tự lập. Hầu như người già ở Anh, Mỹ đều có xu hướng sống tách biệt với con cái và bạn bè cho đến cuối đời. Do sức khỏe suy giảm, họ thường chuyển tới sống tại các cộng đồng hưu trí, viện dưỡng lão hay những trung tâm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, từ năm 1978, Ngày dành cho ông bà chính thức được công nhận ở Mỹ và nhiều nước khác. Ngày lễ này được tổ chức với mục đích vinh danh ông bà, tạo cơ hội để họ bày tỏ tình yêu thương tới con cháu.
5. Pháp
Các cụ già trên đường phố Pháp
Theo luật pháp quy định, công dân nước này phải duy trì liên lạc với cha mẹ đã lớn tuổi
Là một quốc gia nằm giữa châu Âu với nền văn hóa phương Tây truyền thống, thật khó tin khi Pháp cũng luật hóa việc chăm sóc các bậc phụ huynh. Điều 207 trong Luật Dân sự của nước này yêu cầu công dân Pháp phải duy trì mối liên hệ với cha mẹ đã lớn tuổi của họ. Điều luật này chính thức được ban hành sau khi 2 sự kiện đáng lo ngại xảy ra: số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ người Pháp về hưu tự tử cao nhất châu Âu, trong khi một đợt nắng nóng đã giết chết 15.000 người – hầu hết là người già – thậm chí nhiều người qua đời từ nhiều tuần trước đó.
6. Scotland
Tại Scotland, người cao tuổi được tạo điều kiện để vui sống tại nhà
Các bác sĩ sẵn sàng lắng nghe, trò chuyện với những người lớn tuổi
Scotland hiện triển khai chương trình “Tái định hình phương thức chăm sóc cho người cao tuổi”, với tư tưởng chủ đạo: “Những người lớn tuổi có giá trị to lớn. Họ cần được lắng nghe ý kiến và chăm sóc để tận hưởng cuộc sống đầy đủ, tích cực ngay tại nhà, hoặc trong môi trường gần gũi". Bạn đã bao giờ đưa mẹ mình tới bác sĩ, chỉ để bà được bác sĩ tư vấn, trò chuyện hay chưa? Đó chính là điều mà Scotland cam kết. Trọng tâm hành động của nước này là đảm bảo cho người cao tuổi được sống vui vẻ tại nhà, không phải tới bệnh viện nay những cơ sở chăm sóc sức khỏe khác.
7. Địa Trung Hải và Mỹ Latinh
Thông thường, nhiều thế hệ sẽ cùng chung sống dưới một mái nhà
Trong đó, thế hệ lớn tuổi nhất thường chăm sóc cho thế hệ nhỏ tuổi nhất
Những quốc gia thuộc 2 khu vực nói trên cùng coi gia đình là ưu tiên hàng đầu. Trong cả 2 nền văn hóa, nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà là chuyện rất đỗi phổ biến. Cùng với đó, những thành viên trong gia đình sẽ chia sẻ nghĩa vụ, trách nhiệm duy trì cộng đồng thu nhỏ ấy. Trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, thế hệ lớn tuổi nhất (ông bà) thường chăm sóc cho thế hệ ít tuổi nhất (cháu chắt), trong khi những người còn lại lao động kiếm sống ngoài xã hội. Hệ quả là, người cao tuổi vẫn tích cực tham gia vào đời sống, có ích đối với cộng đồng cho tới khi họ qua đời.
8. Ấn Độ
Người lớn tuổi nhất trong gia đình Ấn Độ thường khuyên răn, dạy bảo tất cả những thành viên còn lại
Họ được coi là trụ cột gia đình, có tiếng nói quan trọng nhất
Tương tự như ở trên, một gia đình Ấn Độ thường bao gồm nhiều thế hệ. Trong đó, người cao tuổi nhất được coi là trụ cột trong gia đình, và thường khuyên răn, dạy bảo về tất cả các vấn đề mà những thành viên còn lại gặp phải. Được sự hỗ trợ của những người trẻ hơn, người chủ gia đình này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cháu. Những người này cũng thường là người mộ đạo và có tấm lòng từ thiện nhất trong gia đình. Ở Ấn Độ, bất kính với những "trưởng lão" trong gia đình bị coi là một hành động vô cùng xấu xa, và bị cả cộng đồng kỳ thị.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : TK 2 điểm