-Thưa ông, quan điểm phải cẩn trọng khi hạ thuế để không ảnh hưởng đến thu ngân sách mà ông nói tại phiên chất vấn ngày 18/3 mới đây cần được hiểu đầy đủ thế nào?
-Đây là vấn đề phức tạp, cần được đặt trong sự tương quan với bối cảnh chung của nền kinh tế để từ đó có một đánh giá toàn diện về lợi ích cũng như hạn chế mỗi khi hạ thuế. Cần phải tiếp cận như vậy chứ không thể đơn giản là muốn hỗ trợ cho một đối tượng nào đó là cứ chọn cách hạ thuế cho nhanh và tiện.
-Nhưng hạ thuế cũng có những lợi ích nhất định trong từng thời điểm cụ thể, thưa ông?
-Điều đó có, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp thôi nên không thể coi đây là chính sách dài hạn được. Hãy nhìn lại kết quả của việc hạ thuế, tổng thể những năm qua chúng ta giảm được ước 200 ngàn tỷ đồng tiền thuế, vậy chia bình quân cho khoảng hơn 1 triệu doanh nghiệp (DN) thì số tiền mỗi DN thụ hưởng cũng không nhiều. Đó là ý thứ nhất. Thứ hai là cần nhìn vào thực tế là nếu giảm thuế rồi nhưng DN không lớn mạnh lên được thì phải làm sao? Trả lời cho được câu hỏi này mới là quan trọng bởi bản chất vấn đề nằm ở đấy.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định hạ thuế không thể là chính sách hỗ trợ dài hạn |
Vì thế chúng ta đừng nhìn nhận hạ thuế như là giải pháp ưu tiên. Hiện nay bội chi khoảng 400 ngàn tỷ đồng/năm, nếu cứ hạ thuế thì sao bảo đảm được nguồn thu, mà không bảo đảm được nguồn thu thì lại phải đi vay, rồi lại bội chi, một cái vòng luẩn quẩn như vậy khi nào mới chấm dứt được! Hơn nữa cũng cần phải ý thức rõ ràng việc giảm thuế liên tục sẽ tác động đến sức mạnh của tài chính công, mà sức mạnh tài chính công suy giảm thì việc phát triển hạ tầng kỹ thuật như xây dựng đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, rồi kể cả an ninh - quốc phòng cũng đều bị ảnh hưởng...Đó là những hệ luỵ buộc phải tính đến.
-Xu thế hiện nay trên thế giới về vấn đề này thế nào, thưa ông?
-Hạ thuế là đi ngược với xu thế toàn cầu hiện nay. Tôi ví dụ như với Thuế tối thiểu toàn cầu có mức thuế 15% áp dụng với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR trong ít nhất 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Đây là minh chứng rõ rệt nhất về vai trò của thuế trong chính sách kinh tế của các quốc gia phát triển hiện nay. Và cũng mới đây thôi, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của APEC vào tháng 11/2023 thì 21 nền kinh tế đều đồng thuận với mục tiêu tăng cường sức mạnh tài chính công và xây dựng nền kinh tế trọng cung hiện đại. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam vì vậy cần có những chính sách thực sự tương thích.
-Sự tương thích được cụ thể hoá thế nào, thưa ông?
-Chúng ta cần có cách tiếp cận hợp lý, với thuế sẽ có tăng có hạ để phù hợp với quy mô phát triển của nền kinh tế. Những khu vực nào, những đối tượng nào cần khuyến khích để thu hút đầu tư như công nghệ cao, hoặc vốn FDI thì vẫn có chính sách hỗ trợ về thuế…Tuy nhiên, tất cả cần được đặt trong mục tiêu tổng thể là phải làm cho giàu lên, đó mới là cái đích hướng đến. Tôi muốn nhấn mạnh đây mới là mục tiêu chính, vì vậy hãy tập trung vào đó chứ đừng loanh quanh chuyện hạ thuế nữa.
-Vậy những việc phải làm ngay để có thể giàu lên như ông nói sẽ là gì?
-Hãy tạo mọi điều kiện cho cộng đồng DN phát triển. Vì khi năng lực DN tốt lên thì sẽ có đóng góp lớn cho nền kinh tế, lúc ý bản thân DN không nợ thuế, không nợ bảo hiểm hay nợ lương, không nợ ngân hàng và không cả nợ trái phiếu doanh DN… Và muốn DN được như vậy thì chúng ta phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn về pháp lý, cải cách hiệu quả thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn và kiến tạo tương lai. Trên thực tế chính những điều này là giá trị cốt lõi để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, từ đó mới có thể xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn bài viết : tỷ số bóng đá