Thống kê tập trung

2025-01-15 19:17:18

Ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Chỉ thị nêu rõ ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Để đảm bảo Chiến lược được triển khai đúng lộ trình, hiệu quả và đạt được mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng ban hành, theo đó các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được phân giao đến từng bộ, ngành, địa phương.

Hạn chế và thách thức trong quá trình triển khai tăng trưởng xanh

Trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với các thách thức đa chiều, nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tiến trình tăng trưởng xanh của Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tuy vậy, tăng trưởng xanh chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế do vẫn tồn tại một số hạn chế, thách thức trong quá trình triển khai:

Một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng xanh chưa được kịp thời lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thiếu nguồn lực triển khai ở các bộ, ngành, địa phương.

Khung khổ thể chế, chính sách cho đầu tư cho tăng trưởng xanh còn phân tán, các công cụ tài chính xanh chưa hoàn thiện, thiếu những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư mang tính đột phá cho tăng trưởng xanh, dẫn tới chưa tạo được môi trường thuận lợi để tiếp cận, huy động, thu hút và tiếp nhận nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Năng lực triển khai còn hạn chế, nhận thức về vai trò và lợi ích của tăng trưởng xanh chưa thực sự đi sâu vào tư duy của người dân và doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành, địa phương trong thực hiện tăng trưởng xanh

Để thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ đã được phân giao tại Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời lồng ghép, tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ tăng trưởng xanh vào các chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch và các văn bản pháp luật của các ngành, lĩnh vực dự kiến ban hành trong thời gian tới; rà soát, đánh giá tiềm năng của các ngành, lĩnh vực mới trong tăng trưởng xanh.

Đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án, đề án thí điểm các mô hình mới gắn với tăng trưởng xanh; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của tăng trưởng xanh cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh.

Tỉnh Ninh Thuận phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm theo hướng đô thị xanh và thông minh. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; xây dựng lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế-xã hội với tầm nhìn dài hạn hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Thể chế hóa, giám sát việc điều chỉnh, bổ sung áp dụng các chính sách, mô hình, công cụ kinh tế mới để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, bảo đảm bình đẳng và năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi xanh.

Tăng cường vận động, huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng xanh; sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công theo hướng ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh; xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh, cơ chế hỗ trợ dự án thí điểm xanh tại Việt Nam; tổng hợp danh sách các dự án thí điểm xanh, danh mục các nhiệm vụ, dự án xanh trọng điểm trong từng thời kỳ.

Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý và sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh; khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh đặc biệt là tín dụng xanh và ngân hàng xanh; xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án xanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng xanh, tập trung nguồn vốn cho các ngành kinh tế xanh, dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Bộ Công Thương cơ cấu lại, nâng cấp các ngành công nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo, hydrogen, phương tiện vận tải điện, hạ tầng sạc điện...; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cam kết về các mục tiêu năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng toàn cầu; đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện các giải pháp thích ứng với Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon (CBAM).

Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất...

Hàng ngàn m3 đất đắp thuộc Dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Gio Hải-Cửa Việt đã bị sóng biển xé toác, cuốn trôi. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trao đổi, bù trừ tín chỉ cacbon; trình ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế; hoàn thiện các quy định, chính sách, các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đẩy nhanh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Bộ Xây dựng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ giám sát, đánh giá phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, công trình xây dựng xanh, hạ tầng công cộng và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải cacbon thấp; sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch.

Hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật, tập trung nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải (cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn, chiếu sáng, cấp năng lượng...).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là các công trình thủy lợi, nước sạch phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tập trung triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030."

Bộ Ngoại giao tham mưu thiết lập các khuôn khổ hợp tác về kinh tế xanh, thúc đẩy công tác "ngoại giao kinh tế," "ngoại giao công nghệ," "ngoại giao khí hậu," hợp tác công nghệ, huy động các nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh; chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các khuôn khổ hợp tác, sáng kiến quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để nâng cao vai trò, hình ảnh quốc tế của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội, thay đổi nhận thức, hành vi sản xuất, tiêu dùng, lối sống xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ tăng trưởng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào các chương trình, kế hoạch đầu tư hạ tầng đồng bộ trong chuyển đổi số.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp, lồng ghép tăng trưởng xanh vào công tác giáo dục, đào tạo trong các cấp học, tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng mềm, hình thành phong cách, ý thức sống xanh, văn minh; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực liên quan quan tới tăng trưởng xanh (ngành năng lượng mới: hydrogen).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách phát triển du lịch xanh; xử lý vi phạm với các hành vi xâm phạm môi trường, cảnh quan, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch; xây dựng, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng bộ tiêu chuẩn phát triển du lịch xanh đồng bộ và hiệu quả; phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng xanh, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc; đẩy mạnh quảng bá du lịch xanh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện các chính sách lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tạo việc làm xanh, hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội; chính sách phát triển sinh kế bền vững cho người lao động, nhất là lao động yếu thế; thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trong các lĩnh vực liên quan tới tăng trưởng xanh; tích hợp; bổ sung thêm các ngành, nghề đào tạo mới trong các lĩnh vực cho tăng trưởng xanh vào chương trình đào tạo, đào tạo giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng tới môi trường đào tạo nghề xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh của quốc gia và thế giới.

Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện danh mục quốc gia tổng hợp các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải cacbon thấp trong các ngành sản xuất; ưu tiên phân bổ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, triển khai nghiên cứu phát triển và ứng dụng các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là công nghệ sản xuất, lưu trữ, phân phối và sử dụng hydrogen; thu giữ/sử dụng carbon (CCS/CCUS); nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến, đổi mới công nghệ sạch trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân lớn theo hướng chuyển dịch sang kinh tế carbon thấp, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh, năng lượng xanh (trong đó có nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh).

Cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề có liên quan, viện nghiên cứu, trường đại học chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành tham gia, huy động đóng góp của các tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển trong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh.../.

Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ đang tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy và thực hành ESG, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng xanh.

(Vietnam+)
Top