Tình nghĩa hai bờ Sê San |
Cửa khẩu biên giới: mạch nối kinh tế Việt Nam và Campuchia |
Trên cánh đồng xanh mướt của ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, vợ chồng chị Sa và anh Rùa đang bận rộn thu hoạch khổ qua. Mùa vụ năm nay, với diện tích 3,4ha, gia đình chị cung ứng gần 30 tấn khổ qua cho thị trường, dù giá cả có những lúc không thuận lợi.
Chị Sa chia sẻ: “Khổ qua phải mất hơn 55 ngày mới bắt đầu thu hoạch, nhưng giá cả thì lúc được, lúc không. Nếu được giá, việc chăm sóc sẽ kỹ hơn, thời gian thu hoạch có thể kéo dài ba tháng. Nhưng nếu mất giá, chúng tôi phải hái nụ sớm để chuyển sang trồng giống khác”.
Chị Sa và anh Rùa may mắn nhận được sự giúp đỡ từ Sóc Niên, một nữ đầu công người Khmer từ Campuchia. Sóc Niên không chỉ hỗ trợ nhân lực từ việc cắm chà, bón phân mà còn tổ chức nhân công thu hoạch, phân loại sản phẩm.
“Nhờ Sóc Niên và chị em trong tổ vần đổi công, chúng tôi không còn phải lo lắng chuyện nhân lực. Công việc chính của tôi bây giờ là giám sát, chi trả tiền công và tính toán thu nhập sau mỗi vụ. Thu nhập không chỉ đủ chăm lo gia đình mà còn có chút dành dụm”, chị Sa chia sẻ trong niềm vui.
Các thành viên tổ phụ nữ vần đổi công trong mùa thu hoạch trái ớt. (Ảnh: An Là) |
Câu chuyện gia đình chị Sa là một minh chứng sống động cho sự hiệu quả của mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia”, được triển khai từ năm 2014 tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ban đầu, mô hình này chỉ hoạt động trong phạm vi nội bộ, hỗ trợ các hộ gia đình xoay vòng công việc, nhất là trong mùa vụ. Các chị em không phải tốn tiền thuê người làm, cũng không bị trùng công. Nhưng nhờ đường biên giới dài hơn 7km nối liền xã Ninh Điền và xã Kokir Saom (còn gọi là Cây Xôm) thuộc huyện Svay Theab, tỉnh Svay Rieng của Campuchia, mô hình đã mở rộng hợp tác với phụ nữ Khmer bên kia biên giới.
Khi Cây Xôm cần nhân công chăm sóc mía, mì, phụ nữ Ninh Điền sẵn sàng hỗ trợ. Đổi lại, khi Ninh Điền vào mùa vụ, các tổ trưởng phía Campuchia như chị Sóc Niên và chị Cà Phíp huy động nhân công sang giúp.
Chị Trần Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Điền, cho biết: “Duy trì mô hình không chỉ giúp chị em có thu nhập ổn định mà còn nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật và quy định vùng biên giới. Đặc biệt, mô hình còn góp phần ngăn chặn nạn mua bán người và các tệ nạn xã hội”.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, mô hình đã huy động hơn 17.000 ngày công, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 thành viên, với thu nhập trung bình từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, mô hình đã có 5 tổ đầu công thành lập theo địa bàn và tương ứng nhu cầu lao động chuyên biệt như: khu làng thanh niên lập nghiệp cung ứng lao động thu hoạch mía, khu đồng bào Khơ Me (mì), khu mé sông Trà Sim (lúa), khu Bến Cừ (bầu bí, khổ qua), khu Gò Nổi (ớt, cà tím, thuốc lá).
Phía Campuchia, xã Cây Xôm cũng có hai tổ đầu công bảo đảm cung ứng hàng trăm nhân lực mỗi mùa vụ cao điểm. Việc điều động nhân công qua lại hai bên đều chấp hành nghiêm quy định vùng biên, với sự hỗ trợ của lực lượng biên phòng, chị Hằng thông tin.
Mô hình “Tổ phụ nữ vần đổi công Việt Nam - Campuchia” là một trong nhiều sáng kiến kết nối phụ nữ hai nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác qua các giai đoạn, gần đây nhất là giai đoạn 2022-2027. Nhiều hoạt động được triển khai một cách bài bản, từ cấp trung ương đến địa phương, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa hai nước.
Theo đó, Hội đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng dành cho cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển. Nội dung tập huấn không chỉ dừng lại ở kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mà còn mở rộng sang các kỹ năng quản lý, lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động cộng đồng. Nhiều phụ nữ Campuchia sau khi tham gia khóa học đã áp dụng hiệu quả vào công việc tại địa phương, trở thành cầu nối thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Những lớp học này cũng là cơ hội để chị em hai nước chia sẻ kinh nghiệm, tạo nên sự hiểu biết và gắn kết lẫn nhau. Hội cũng trao tặng trang thiết bị, tài trợ nhỏ và chuyển giao kỹ thuật, kết nối với các nhà tài trợ cho bạn. Trong đó, năm 2023 Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (Intraco) phối hợp với Hội cung cấp hơn 100.000 bình lọc nước và 300.000 bếp tiết kiệm năng lượng cho các hộ dân Campuchia. Những thiết bị này không chỉ cải thiện điều kiện sống mà còn góp phần giảm chi phí sinh hoạt, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, toàn bộ 10 tỉnh biên giới Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh giáp biên của Campuchia. Các thỏa thuận không chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất mà còn mở rộng sang bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống ma túy, và ngăn chặn nạn mua bán người. Tại Kiên Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với ba tỉnh Kép, Kampot và Preah Sihanouk (2022-2027). Tại Bình Phước, Hội hợp tác chặt chẽ với Kratie, Mondulkiri và Tboung Khmum (2023-2027). Ở Tây Ninh, các hoạt động trao đổi đoàn, hỗ trợ y tế và tổ chức các chương trình trao đổi văn hóa được triển khai thường xuyên, tạo ra những sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa phụ nữ hai nước. Những sáng kiến thiết thực này không chỉ cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của hàng ngàn gia đình vùng biên giới mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Tình cảm giữa phụ nữ hai nước, dù khởi đầu từ những hoạt động đời thường, đã góp phần dựng xây một tương lai phát triển bền vững và hòa bình. Những nụ cười rạng rỡ trên cánh đồng, những lớp học khởi nghiệp hay những món quà đầy ý nghĩa là minh chứng sống động cho tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia.
Thiếu nhi - Những đại sứ nhỏ kết nối tình hữu nghị |
“Hạt giống” tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia |