Mới đây, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã tăng 25 bậc lên vị trí thứ 28 trong danh sách Global 2000 của tạp chí Forbes về những công ty đại chúng lớn nhất thế giới. Danh sách này được đánh giá dựa trên doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường của công ty.
Sự thăng hạng đáng kể đã giúp Amazon giành được danh hiệu nhà bán lẻ lớn nhất thế giới từ tay Walmart, công ty giảm 5 bậc xuống vị trí thứ 29 trong Global 2000.
Công ty của tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos đang tiếp tục thống trị mảng bán lẻ với số lượng người Mỹ đăng kí dịch vụ Amazon Prime đạt 100 triệu trong năm 2019. Họ luôn tìm cách để tăng cường các lợi ích gắn liền với tư cách thành viên để biến Prime thành một thứ gần như bắt buộc phải có trong mỗi hộ gia đình.
Nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos.
Tháng trước, công ty công bố kế hoạch giao hàng đến thành viên Prime trong 1 ngày và sẽ dành 800 triệu USD để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng của mình trong quý II/2019.
Nhờ sự nhiệt tình của các nhà đầu tư, giá cổ phiếu của Amazon đã "bay cao" và giúp công ty đạt giá trị vốn hóa thị trường hơn 900 tỷ USD. Về phương diện này, Walmart từ lâu đã lép vế so với Amazon khi chỉ có mức vốn hóa dưới 300 tỷ USD.
Ngoài thương mại điện tử, Amazon còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác. Năm ngoái, công ty kiếm được khoản lợi nhuận kỷ lục 10 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh điện toán đám mây. Con số này tăng mạnh so với 3 tỷ USD trong năm trước đó và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Mặc dù vậy, Walmart vẫn nổi trội hơn Amazon trên một số phương diện: Doanh thu cao gấp đôi, có nhiều tài sản hơn trên bảng cân đối kế toán do sở hữu lượng bất động sản đáng kể. Bên cạnh đó, Walmart hiện có 2,2 triệu nhân viên, gần gấp 4 lần số lượng đang làm việc cho Amazon.
Đầu tuần qua, Walmart đã công bố dịch vụ giao hàng miễn phí trong vòng 1 ngày với 220.000 sản phẩm được mua nhiều nhất trong các đơn hàng có giá trị tối thiểu 35 USD để cạnh tranh với kế hoạch hồi tháng 4 của Amazon. Dịch vụ này hướng đến mục tiêu phục vụ khoảng 75% dân số nước Mỹ trong năm nay.
Xếp sau Amazon và Walmart trong bảng xếp hạng là "ông lớn" thương mại điện tử đến từ Trung Quốc, Alibaba. Tuy hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán hàng hóa qua Internet nhưng tập đoàn này cũng đã đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực như giải trí, logistics và thanh toán. Ví điện tử Alipay do Ant Financial (một chi nhánh của Alibaba) phát triển đã trở thành kẻ thống trị thị trường thanh toán khổng lồ trị giá 43,8 nghìn tỷ USD của Trung Quốc với thị phần lên tới 53,7%.
Doanh thu của Alibaba tăng 51% lên 56 tỷ USD trong năm tài khóa 2019 nhờ sự đóng góp của 654 triệu người dùng hoạt động. Dù vẫn đang chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhưng tốc độ phát triển của tập đoàn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ trong thời gian gần đây.
Các nhà bán lẻ khác cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Công ty mẹ của hãng đồ nội y Victoria’s Secret, L Brands đã tụt 230 bậc xuống vị trí thứ 1311 do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ nhiều thương hiệu. Trong khi đó, hãng bán lẻ Sears (nộp đơn xin phá sản cuối năm ngoái) giảm 166 bậc xuống vị trí thứ 1913 trong danh sách Global 2000.
Nguồn bài viết : Bóng đá Châu Âu