Bán bữa cơm sạch cho du khách

2025-01-17 20:38:19

Anh kể một chút về gia đình mình được không ạ?

Gia đình tôi nhiều đời ở đây. Địa phương này có nhiều tộc họ, đầu tiên là tộc Mai, tộc Miểng, tộc Trần sau này… Chủ yếu là người Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội di cư theo chúa Nguyễn mở rộng về phía Nam. Có những tộc họ nổi tiếng ở Bát Tràng cũng về đây và tạo lập ra làng gốm Thanh Hà nổi tiếng. Những tộc họ khác đánh bắt cá, trồng trọt… có trên 500 năm rồi.Nhà tôi có 600m2 đất từ đời ông cố, đời trước ông bà đã trồng rau.

Tại sao rau ở Trà Quế lại ngon và thơm đến vậy, anh hiểu cái đất, cái nước ở đây ra sao?

Rau Trà Quế ngon nhờ ba thứ: đất, khí hậu và kiến thức kỹ thuật trồng của người bản địa từ xa xưa. Trong quá trình làm, họ tạo ra đất, rất khác biệt. Người ta kiếm đất cát pha trộn với đất ở đây bằng cách sau khi xới đất, họ phủ lớp đất cát lên trên, và nhiều công đoạn nữa, nhưng tựu trung là đất thịt pha cát.

Người dân ở đây lấy rau vớt ở sông làm phân, và cũng có dùng ít phân công nghiệp nhưng ở mức an toàn. Khi gieo hạt mầm, cây được khoảng một, hai tuần tuổi họ bón chút phân urê để kích thích bộ rễ cho mạnh. Chỉ một lần đó. Theo quy trình rau sạch thì rau rất sạch. Ở đây cũng gần biển, hơi muối mặn cũng làm cho rau đậm đà hơn.

Nhà anh có sống được bằng nghề trồng rau hay không?

Tôi nghĩ không riêng gì nhà tôi mà tất cả người dân ở đây đều sống bằng nghề. Không giàu, không nghèo, không đói, đủ ăn. Họ không chỉ trồng rau mà còn trồng lúa nữa. Đói thì không đói, giàu thì cũng không giàu, dễ sống so với những vùng khác ở Quảng Nam. Xung quanh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, chỉ cần có cái lưới nữa là có cá ăn rồi.

Xu thế bây giờ là rau sạch, rau hữu cơ. Nhưng người dân cũng định hình trong đầu theo xu hướng truyền thống, an phận chứ không muốn làm gì khác.

Dân Trà Quế bây giờ, 40 năm sau giải phóng, nơi đây cũng từng được coi là “cái nôi cách mạng”, cũng không có một gian hàng rau trong chợ. Dân vẫn chỉ là buôn thúng, bán bưng, gánh rau ra chợ ngồi trên vỉa hè, bán hết rồi về thôi thì làm sao gầy dựng được cơ nghiệp, có chỗ đứng trong phân khúc thị trường… Dù trên báo chí, các phương tiện truyền thông rất nhiều người ca ngợi làng rau nhưng nói quá sự thực thì không lợi gì cho sự phát triển ở đây, mà còn làm cho lớp trẻ hiện nay bị thoái hoá, dối trá.

Những người trẻ như thế hệ của Tuấn còn ở lại làng rau nhiều không?

Nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng, nhưng bây giờ hụt hẫng hết. Thế hệ của chúng tôi vẫn còn, nhưng thế hệ sau thì chưa thấy bóng dáng. Hầu hết dân làng rau đều ở độ tuổi khoảng 60 trở lên. Chỉ cần trở trời là không làm việc đồng được nữa, họ phải chuyển qua trồng cây lâu năm, cây vụ mùa… diện tích này rộng ra thì diện tích rau thu hẹp lại và về sau có thể mất đi. Làng nghề này là nơi người dân lấy nghề mưu sinh để sống, quan trọng là đầu ra, mà hiện nay là thả nổi, tự bán. Tôi buồn lắm.

Theo quan sát của anh, liệu có câu trả lời không?

Ví dụ mẹ tôi đi chợ gánh rau đi bán. Anh nhà giàu đi xe đến hỏi: bó rau bao nhiêu tiền? – 10.000đ/bó. Anh trả: 5.000đ thôi. Bà nhìn lên trời, thấy mặt trời lên cao quá rồi, nắng như vầy để một chặp nữa thì rau héo. Bà nói: con trả 10.000đ con ăn rau sạch rất tốt, ổng hỏi: sạch thế nào? Bà không trả lời được. Rồi bà chấp nhận bán.

Về nhà, suy nghĩ kỹ lại, mình trồng mớ rau sạch, không thuốc, không phân, công lao chăm sóc nhiều hơn, nếu bán 10.000đ thì còn chút lời, bán chỉ bằng nửa giá thì coi như lỗ, không có tiền bù. Sau đó mới nghĩ tiếp, hay dùng thuốc thâm canh, nâng năng suất lên, bán nhiều, giá rẻ để kiếm chút lời, nhưng sản phẩm không đủ chất lượng thì kệ. Cuối cùng, điểm mà người mua, người bán gặp nhau chính là: ham rẻ, bất cần nó được trồng ra sao.

Khách đến tham quan làng, trong nước đóng 10.000đ, khách nước ngoài 20.000đ/người. Nhưng tiền này không đến với người nông dân, Nhà nước thu và đưa vào quỹ lương của xã. Nếu thực sự đồng tiền này dùng để gây quỹ hỗ trợ thiên tai cho bà con trong vùng thì sẽ khác. Gặp mưa bão, rau bị hư hại, có thể dùng tiền này để giúp bà con mua giống trồng lại… hay chỉ đơn giản trồng luống rau nếu bị sâu, bỏ đi thì không có thu nhập trong vài ngày tới để sống, chỉ cần mua thuốc về xịt thì mấy ngày sau đem bán vẫn được.

Có quỹ này, có thể vận động họ bỏ đi, giúp số tiền họ trồng luống khác, mới đảm bảo được rau sạch và giữ gìn uy tín, giá trị cho thương hiệu làng rau Trà Quế.

Vậy làm sao anh có thể cựa mình để thay đổi?

Nhà tôi là gia đình đầu tiên mở mô hình du lịch khám phá, trải nghiệm đời sống người nông dân ở làng. Khách đến đây tham quan và có thể thưởng thức một bữa cơm rau Trà Quế. Mỗi món ăn mình kể câu chuyện văn hoá của cuộc sống, làng nghề người Việt. Trình bày công phu. Thường thì chương trình bắt đầu từ sáng, dùng cơm trưa rồi về. Vì cơm chiều thì ở đây tối và muỗi lắm.

Hiện nay ở làng đã có khoảng bảy gia đình làm mô hình này. Mô hình này cũng hỗ trợ chung cho người nông dân ở Hội An, ví dụ bữa ăn ngon phải sạch. Nhưng sạch không chỉ có rau sạch mà cả cá, thịt cũng sạch. Vì vậy thực phẩm tươi sống từ những làng khác ở Hội An, cũng nuôi trồng sạch.

Ở làng này có thêm một loại hình du lịch, còn ở làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà xem ra cũng còn hụt hẫng, loay hoay trong các mô hình phát triển du lịch.

Ảnh TL

Cánh đồng xanh xám gió lộng, anh dẫn chúng tôi đi ngửi hương rau thơm lừng trong chiều tà. Đi ngang một bờ ruộng, anh dừng lại trước một người phụ nữ nhỏ thó đang bó gối nhìn về phía mặt trời lặn, anh nói: “Mẹ tôi!”, chúng tôi vội quay lại chào bà. Không ngước nhìn, bà xua tay: đi đi, đi đi. Chúng tôi vội rảo bước. Anh lại nói: “Mẹ tôi bị tâm thần vì di chấn chiến tranh, ngày xưa bà bị tra tấn nhiều quá!” Chúng tôi lặng đi, giờ tôi càng hiểu vì sao anh lại luôn trăn trở về thân phận của những người nông dân. Vì sao anh luôn muốn làm thật nhiều điều có nghĩa cho mảnh đất này, mảnh đất mà chính ông bà, cha mẹ của anh đã hy sinh xương máu để giữ lấy. Dù không phải ai cũng như anh, thậm chí còn có rất nhiều người lấy cớ đấy để chạy tội, để làm chỗ dựa vào tiến thân, phản bội lại tất cả những lý tưởng cao đẹp của ông cha mình.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Nguồn bài viết : MT Trực Tuyến

Top