Dạy con không còn là chuyện nhỏ

2025-01-17 20:38:19

Những cuộc “chiến tranh” giữa bố mẹ với con cái, giữa vợ với chồng trong việc dạy dỗ, giáo dục con trẻ tưởng như chỉ có ở trong phim thì nay hiện diện sinh động và có phần “sôi nổi” hơn bao giờ hết ngoài đời thực.

Dành cho con tuổi thơ

Anh Tuấn kể rằng, cu Nam (6 tuổi) chuẩn bị bước vào lớp 1. Theo anh, giai đoạn tiểu học hãy cho con chơi vui vẻ để rồi tự thấy hứng thú trong học tập. Thế nhưng vợ anh có quan điểm khác hoàn toàn. Chị muốn con phải đọc thông viết thạo khi vào lớp 1, muốn con được học trường chuyên, lớp chọn…

Vợ chồng rất dễ giận nhau nếu không thống nhất quan điểm nuôi dạy con. (Ảnh minh họa)

Quan điểm khác nhau giữa hai vợ chồng chưa kịp giải quyết thì vợ anh đã vội vã nhờ người để chạy cho con một suất vào trường điểm của quận. Chính vì vậy, cả tháng nay, anh giận vợ nên không muốn nói chuyện.

Cũng đồng quan điểm như anh Tuấn, vợ chồng chị Lương Ngọc Tuyến (quê Nam Trực, Nam Định) gửi cô con gái về sống cùng ông bà nội để học trường làng và có một tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc. Thế nhưng ước mơ của anh chị không được thực hiện khi con gái ngày ngày cắp sách đến trường, tối đến lại được ông nội bắt học tới 10 giờ đêm.

Chị kể tiếp, khi về quê, dù con được học ở trường làng nhưng ông nội lại xin cho vào học lớp chọn của trường. Ngày nào cháu cũng phải học 2 buổi. Ông nội còn mua bảng, phấn để dạy cháu học buổi tối. Cuối tuần nào con cũng đi học thêm. Nhưng chuyện đó chưa nặng nề bằng việc ông nội nóng tính, hay quát tháo, dùng roi đánh nếu cháu làm bài chưa đúng.

“Chỉ sau nửa năm học đầu tiên, vợ chồng mình cảm nhận thấy con bé có vấn đề. Nó rất sợ học và thấy bố mẹ về là tỏ ra vui sướng. Kết quả học tập của con ở trường không quá thấp nhưng cũng không cao như mong đợi của ông. Sau khi biết cách dạy của ông, vợ chồng mình đã góp ý nhưng ông không nghe. Hết năm lớp 1, mình đưa con lên trên này để chăm con theo ý mình”, chị Tuyến chia sẻ.

Hãy cho trẻ tuổi thơ vui vẻ.

Không có tiếng nói chung

Chồng chị Tuyến, anh Văn cho biết, mình và bố đã bàn về việc dạy cháu học như thế nào cho đúng trong giai đoạn này nhưng bố mình không hề nghe. Ông nói rằng, không nghiêm khắc thì trẻ con không chịu học, không bằng bạn bằng bè. Ông lấy ví dụ, ngày xưa 6 đứa con ông, ông toàn dạy thế thì mới được như hôm nay.

“Cả tuổi thơ mình ám ảnh bởi cách dạy học của bố. Anh em mình thực sự là sợ bố và sợ học. Mỗi lần học như nghĩa vụ và không có hứng thú. Mình đã thực sự lo lắng cho con gái mình. Mình biết rằng tính bảo thủ, gia trưởng và cố chấp đó sẽ không bao giờ thay đổi được. Bố con đã to tiếng với nhau và đến giờ ông vẫn giận vì không nhờ chăm cháu nữa”, anh Văn tâm sự.

Còn nhà chị Nguyễn Bảo Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội), bố mẹ chồng đang đòi họp gia đình để “dằn” mặt con dâu. Chuyện là bé Đỗ Như Tiến (4 tuổi) đang được chị Ngọc đưa về nhà ông bà ngoại ở, để có điều kiện dạy dỗ con nên người.

Chị Ngọc chia sẻ, vợ chồng mình đi làm bận rộn cả ngày nên nhờ ông bà trông Tiến. Tuy nhiên, càng lớn cháu càng hư và có nhiều tính xấu. Tiến đã 4 tuổi nhưng như một đứa bé sơ sinh, việc gì ông bà cũng làm cho từ a đến z. Cháu đánh răng, bà không đưa ra nhà vệ sinh mà bê chậu nước vào tận giường, rồi dùng bánh, kẹo… để “dụ” cháu.

Ông bà cho Tiến ăn uống rất vô tội vạ, không khoa học. Nhiều hôm đến bữa chính cháu không chịu ăn nữa vì trước đó đã ăn no. Sau khi mọi người ăn xong hết, cháu lại đòi ăn. Đến nay, cháu đã có biểu hiện béo phì cần hạn chế ăn uống nhưng ông bà không nghe. Ông bà nói rằng “trẻ nhỏ càng bụ càng thích. Nó ăn được phải cho nó ăn, cấm làm gì cho khổ”.

Nhiều ông bà thương cháu nhưng không đúng cách. (Ảnh minh họa)

Theo chị Ngọc, sau rất nhiều lần góp ý, nhẹ có, nặng nề cãi vã cũng có với bố mẹ chồng, được sự đồng thuận của chồng, chị đã quyết định đưa con về ở nhờ bên nhà ông bà ngoại để chăm sóc và dạy con tốt hơn. Ngọc cũng đã chuyển một số phần công việc cho người khác để có thêm thời gian dạy con. Bởi vì giờ Tiến đã 4 tuổi, nếu không dạy dỗ, chăm sóc cẩn thận sau này hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khoảng cách thế hệ là một trong những nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn trên. Ông bà dùng kinh nghiệm của bản thân, có khi đã lạc hậu trong khi vợ chồng, con cái lại dùng kiến thức khoa học để chăm sóc thành viên mới. Những xung đột này đều có thể giải quyết nếu như ông bà có tư tưởng tiến bộ, chịu khó tiếp thu. Con cái cũng cần có thái độ hòa nhã, nhẹ nhàng để trao đổi với bố mẹ. Các cụ xưa có câu “nói phải củ cải cũng nghe”, qua quá trình lâu dài chắc chắn các cụ cũng sẽ có những thay đổi nhất định.

Còn đối với vợ chồng, những quan điểm không đồng nhất cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, vợ chồng cần chia sẻ và bàn luận với nhau những kiến thức về nuôi dạy con một cách khoa học và phù hợp với từng độ tuổi. Sau đó cần thống nhất về cách ứng xử, vai trò và nghĩa vụ của mỗi cá nhân trong việc chăm lo và nuôi dạy con. Nếu vợ hoặc chồng dạy con theo cách người kia không đồng ý thì cũng không nên phản ứng thái quá, đặc biệt trước mặt trẻ nhỏ. Cả hai hãy cùng ngồi nói chuyện, tìm cách nhẹ nhàng khuyên nhủ, góp ý sau với bạn đời và cùng rút kinh nghiệm cho các tình huống khác.

Linh Giang

Nguồn bài viết : Thống kê XSMN

Top