Làng đam mê đọc sách, báo

2025-01-17 20:38:19

Đọc sách để nâng cao dân trí

Qua cầu Trung Quán về làng Quảng Xá, vùng đất thuần nông, nơi được mệnh danh là làng đọc sách, chúng tôi đến thư viện làng Quảng Xá khi đã giữa trưa vào một ngày cuối tuần. Lúc này, trong căn phòng nhỏ vẫn còn hơn chục người vừa già vừa trẻ đang chăm chú đọc sách, bên trong thấy những kệ sách được bày biện gọn gàng, ngăn nắp.

Đang trông giữ thư viện, ông Nguyễn Ngọc Thụ cho biết: Công tác cho mượn sách về nhà, đọc sách tại thư viện được chúng tôi tiến hành nhanh chóng, gần gũi, thuận tiện đối với tất cả mọi người. Sách có mã số, độc giả đến mượn và đọc đều có thẻ. Từ ngày thư viện đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi đã phục vụ cho hơn 10.000 lượt người mượn sách.

Điểm đọc báo ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh.

Bác Dương Văn Hùng, một người thường xuyên đến đọc sách tại thư viện chia sẻ: “Tôi không được học hành đến nơi đến chốn nên ở nhà làm nông nghiệp, để nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, hằng tuần tôi đều đến thư viện để đọc những sách hướng dẫn về nông nghiệp, rồi ghi lại để tích lũy kinh nghiệm cho mình”.

Còn đối với bà Trần Thị Tuyết, việc đọc sách như là nhu cầu không thể thiếu, bà chia sẻ: “Lâu rồi thành quen, nên chừ mỗi tuần mà không cầm được cuốn sách là thấy thiếu thốn, khó chịu lắm. Sách không chỉ nâng cao kiến thức về chính trị, xã hội cho tôi mà còn hướng dẫn nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, thiết thực mà mình có thể áp dụng vào thực tế gia đình mình”.

Không chỉ có những cụ cao tuổi, bác nông dân, chị phụ nữ, ông giáo chức đến thư viện đọc sách mà các cháu thiếu nhi đều hào hứng đến thư viện lựa chọn cho mình những cuốn sách thiếu nhi, sách khoa học..., tất cả đã làm nên một thói quen đọc sách, địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân.

Làng góp sách xây dựng thư viện

Hỏi về những lý do để xây dựng thư viện làng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Viết Trung, Chi hội trưởng Chi hội Giáo chức làng Quảng Xá cho biết: Xuất phát từ niềm đam mê, nhu cầu đọc sách của bà con trong làng, những tháng cuối năm 2000, 3 cụ Nguyễn Mân, Dương Viết Khen và Nguyễn Thị Ngọc Châu (lúc đó đã ngoài 70 tuổi) đã dành dụm tiền lương hưu thuê thợ đóng tủ, kệ sách, bàn ghế để xây dựng thư viện. Sau khi đóng được tủ, bàn, mỗi người về nhà gom hết các loại sách mới cũ mang đến để trưng bày ngay tại một phòng của trụ sở hợp tác xã. Ngày 1/1/2001, thư viện làng Quảng Xá chính thức mở cửa đón bạn đọc.

Để thư viện Quảng Xá ngày càng có nhiều sách, những ngày tháng tiếp theo, các cụ đã kêu gọi con em trong làng sống xa quê ủng hộ sách, báo. Hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc làm đầy tâm huyết, chỉ trong vòng hơn một năm, hàng nghìn cuốn sách, báo, tạp chí đã được mọi người góp sức xây dựng thư viện của làng.

Trong đó, ghi nhận tấm lòng của những người con Quảng Xá xa quê như: Thiếu tướng Nguyễn Hải ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) gửi tặng 200 cuốn sách, ngoài ra, hằng tháng ông gửi đều đặn các loại báo, tạp chí về bổ sung thêm cho thư viện. Chị Phước Thuận đang sống ở Hà Nội gửi tặng 100 cuốn sách; ông Hoàng Nhân (con rể của làng, ở TP.HCM) gửi tặng 300 cuốn sách…

Những năm gần đây, Thư viện Quốc gia tặng Thư viện làng Quảng Xá 518 cuốn sách; Thư viện tỉnh Quảng Bình tặng số sách trị giá gần 11 triệu đồng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường biết tin đã tặng một tủ sách pháp luật. Tính đến nay, Thư viện làng Quảng Xá đã có gần 3.000 đầu sách với trên 4.500 cuốn, đầy đủ các thể loại như tiểu thuyết, thơ, sách khoa học, sức khỏe, nông nghiệp nông thôn, pháp luật, sách thiếu thi…

Ông Nguyễn Viết Trung giới thiệu về những địa điểm đọc báo.

Điểm đọc báo dọc đường làng

Ông Nguyễn Viết Trung, hào hứng cho biết thêm: Không chỉ đọc sách tại thư viện làng, từ năm 2013, Chi hội Giáo chức làng Quảng Xá đã xây dựng thêm 4 điểm đọc báo đặt ở dọc đường làng, dưới những tán cây tỏa bóng mát. Xuất phát từ lý do Quảng Xá có nhiều người làm nghề giáo, sau khi về nghỉ hưu, với thói quen đọc báo nên những trưa ra ngồi dọc bờ kênh, nhiều người cùng chuyền tay nhau tờ báo để đọc, từ đó ý tưởng xây dựng các điểm đọc báo được hình thành. Sau khi bàn luận, thấy mọi người ai ai cũng hưởng ứng. Do đó, người góp tiền, người đặt mua báo được triển khai nên chỉ trong vòng một tuần 4 điểm đọc báo dọc đường làng được hình thành.

Giữa cái nắng hanh hao, dưới những gốc cây là những bộ bàn ghế đá mát mẻ, người dân làng Quảng Xá mỗi người đều chọn cho mình một tờ báo để đọc. Quan sát trên bàn, có gần 15 tờ báo của trung ương và địa phương, nào là Báo Nhân dân, Thanh niên, Đại Đoàn kết, Văn Hóa, Pháp luật, Quảng Bình… rồi có cả Tạp chí Cộng sản, Sinh hoạt chi bộ, Văn hóa Quảng Bình… được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp.

Ông Nguyễn Đình Thuộc là cán bộ hưu trí cho biết: Hằng tháng, tại mỗi điểm đọc báo đều cử ra một người lo công tác chuẩn bị. Theo đó, cứ đúng thời gian quy định (khoảng 11h30 đến 13h) hằng ngày, người được phân công sẽ bảo quản, mang báo ra điểm đọc và cất vào khi hết thời gian. Hàng tuần, hàng tháng, sau khi các số báo ra hằng ngày đã cũ, người được giao nhiệm vụ phải đem giao lại thư viện của làng để làm tư liệu.

Có thể nói, thư viện làng Quảng Xá và các điểm đọc báo thực sự là địa chỉ sinh hoạt văn hóa hữu ích, hình thành nên phong trào đọc sách ở trong nhân dân. Được biết, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Quảng Xá đã 3 lần đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa cấp tỉnh, là một trong những làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Quảng Bình.

Theo Văn Hóa

Nguồn bài viết : Xổ số điện toán

Top