Bố mẹ “cố thủ”
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, ở quận 10, TP.HCM, có hai đứa con, 15 và 9 tuổi không giấu được lo lắng về những bất an có thể xảy ra với con mình khi chia sẻ tại một chuyên đề về dạy con. Chị kể, chị không dám để con tham gia việc nhà vì sợ các tai nạn không lường được như té, bỏng, đứt tay… Trong nhà chị luôn có hai người giúp việc lo cho các tất cả mọi việc cho con. Việc duy nhất của hai đứa trẻ là ăn, ngủ và học trong sự kiểm soát của cha mẹ.
Con đi học, vợ chồng đi chị thay nhau đưa đón con đến tận lớp học. Kể các chương trình, hoạt động ngoại khoá không bao giờ anh chị cho con tham gia. Đến bây giờ họ vẫn đang đấu tranh không biết có nên cho con tập xe đạp không vì lo cháu biết đi rồi ra đường tai nạn rất nguy hiểm. Việc con tiếp xúc với bạn bè, hàng xóm chị cũng tìm mọi cách hạn chế vì sợ con bị dụ dỗ, lừa gạt.
“Bao bọc con như vậy mà tôi còn chưa an tâm, nếu con có chuyện gì tôi không sống nổi mất ”, người mẹ nói.
Lý do chung của rất nhiều bậc cha mẹ khi làm mọi cách bao bọc hay làm thay trẻ mọi việc thường xuất phát từ nỗi sợ khi họ nhìn đâu cũng thấy những nguy hiểm có thể đến với con. Từ việc sợ hãi đó, đã thúc đẩy họ cố gắng “úm” con mức cao nhất mong con được an toàn trong vòng tay mình.
Chúng ta đang có một thế hệ con trẻ khó rời khỏi vòng tay mẹ cha? (Ảnh minh hoạ: Hoài Nam)
“Bây giờ xã hội quá phức tạp, những nguy hiểm xung quanh rình rập mọi nơi mà người lớn còn khó tránh chứ đừng nói con trẻ. Đến cho con đi học bơi tôi còn sợ, không dám cho đi. Vợ chồng tôi cũng đồng quan điểm hy sinh tất cả cho con, không để con phải tiếp xúc với cuộc sống quá sớm”, một người mẹ tên Hợp bộc bạch.
Hiện tượng cha mẹ bao bọc con cái, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng Rồng Việt, Vũng Tàu) gọi đó là mô hình gia đình thành trì, phụ huynh “cố thủ” bằng nhiều cách để bảo vệ con khi xã hội có nhiều cạm bẫy.
Phụ huynh tưởng rằng khi “bao trọn” con trong vòng tay con có thể được an toàn nhưng thật ra lại đang tước mất sức đề kháng để phòng ngừa, chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống. Dựng lên bức tường thành vững chắc nhất để bao bọc con, cha mẹ đã cướp mất cơ hội để đứa trẻ biết ứng phó, nhận diện tốt xấu, xử lý các tình huống kể cả đơn giản nhất trong cuộc sống.
Thương con bằng ngàn lần hại con
Và hiện nay, giáo dục gia đình đang rơi vào vòng luẩn quẩn: cha mẹ sợ hãi nên ra sức bảo vệ con. Khi được “ẵm”quá mức, trẻ lại càng yếu đuối, càng thiếu kỹ năng nên bố mẹ lại càng “siết”. Tình thương của bố mẹ đã vô tình đẩy con vào vùng nguy hiểm ngay trong vòng tay của mình.
Chuyên gia trẻ em Lan Hải cho biết, trẻ em ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn cực kỳ thiếu các kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà lỗi từ chính người lớn.
Trước những tiềm ẩn nguy cơ trong cuộc sống, cha mẹ thường sợ hãi, lo lắng tìm cách làm hộ con mọi việc, bao bọc, ngăn cấm con một cách gay gắt để tránh các rủi ro. Họ yên tâm với cách bao bọc, ngăn cấm của mình nên quên giải thích cho trẻ vì sao và hậu quả có thể xảy ra trước các vấn đề.
Vòng tay của phụ huynh càng siết chặt hơn khi lúc nào cũng có suy nghĩ con mình còn nhỏ, chờ con lớn hơn thì mới có thể cho con “bước vào đời”. Nhưng đứa trẻ chẳng thể nào lớn khi bị tách khỏi môi trường sống của chính nó, không được trải nghiệm, đối diện với cuộc sống.
ThS Lan Hải nhấn mạnh, trang bị cho con các kỹ năng sống, bảo vệ mình là việc cha mẹ phải bắt tay khi con còn nhỏ, càng sớm càng tốt. Còn không họ sẽ thụ động khi mọi việc xảy ra rồi mới lo lắng, cuồng cuồng đi tìm cách “chữa cháy”.
Nhiều phụ huynh đang "cố thủ" đảm bảo an toàn của trẻ bằng cách luôn kè kè bên con. (Ảnh minh hoạ: Hoài Nam)
Tuy nhiên, bên cạnh việc lo sợ con phải đối mặt với những hiểm nguy trong cuộc sống thì theo các chuyên gia tâm lý còn có nhiều lý do của việc phụ huynh bao bọc, cưng chiều con quá mức. Nhiều thế hệ cha mẹ Việt trải qua những khó khăn vì đời sống kinh tế trước đây nên có tâm lý muốn con cái được bù đắp thật nhiều, không phải động tay động chân vào việc gì hết. Còn một nhận thức lệch lạc là phụ huynh muốn làm hết thay con mọi việc để con dồn sức hết cho việc học, đáp ứng kỳ vọng của mình.
Chưa kể, cha mẹ làm thay con những việc nhỏ nhất còn do bố mẹ thiếu kiên nhẫn, phương pháp khi chơi và giáo dục trẻ. Họ không tin tưởng ở con nên muốn tự mình làm mọi việc cho nhanh.
Chuyên gia Lê Khanh cho biết, ngoài các lý do trên thì trong vô thức, phụ huynh chúng ta mong rằng với sự chăm sóc, hy sinh tận tình của mình, con cái sẽ phải nhớ và đền ơn mình khi về già. Cách thể hiện “úm” con, hy sinh quá mức vì con là một tình thương vô cùng tai hại mà thường chỉ khi đã quá muộn, cha mẹ mới nhận ra.
Theo Dân trí
Nguồn bài viết : xsmn Xổ SỐ Miền Nam