Hiroshi Tanikawa: ông già Nhật và ước mơ 200 điểm trường mới cho Việt Nam |
Người “xây cầu kiều” cho học sinh Việt Nam sang Nhật |
Lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đón nhận kỷ vật do gia đình cựu sinh viên Takano Isao trao tặng. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn) |
Takano Isao sinh năm 1943 tại thành phố Kobe, Nhật Bản. Năm 1967, anh sang Việt Nam và nhập học Khoa Tiếng Việt của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường ĐHKHXH&NV).
Tấm biển ghi danh người cựu sinh viên Takano Isao được gắn trang trọng dưới gốc cây vú sữa do anh trồng trong khuôn viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn). |
Trong khuôn viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tại B7Bis Trần Đại Nghĩa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày nay vẫn còn cây vú sữa mà Takana Isao trồng khi là sinh viên của khoa. Tán cây tỏa rộng, râm mát cả một khoảng sân của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Ngày 8/3/2019, cây vú sữa được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn biển “Cây vú sữa do Takano Isao (1943-1979) trồng” như một thông điệp nhắc nhở thế hệ trẻ Việt Nam luôn nhớ về lịch sử, về những người lính đã anh dũng hy sinh và tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Takano Isao học đại học đúng lúc tình hình chiến tranh ở Việt Nam ngày càng ác liệt, nhưng anh đã vượt qua tất cả khó khăn để học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt Nam và hòa mình vào cuộc sống kháng chiến của người dân Việt Nam.
Bước chân của Takano trải khắp Việt Nam, từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tháng 2/1978, trong vai trò là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Takano tìm mọi cách để có mặt sớm nhất ở Lạng Sơn khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, đưa những thông tin chiến sự nóng hổi đến độc giả trong và ngoài nước.
Nhà báo Takano cùng vợ và con gái. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn) |
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, nguyên Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt kể: Loạt đạn định mệnh bên kia sông Kỳ Cùng vào ngày 7/3/1979 đã cướp đi sự sống của người phóng viên quả cảm. Trong cơn mưa đạn, Takano ngã xuống ngay trước mắt người đồng chí Việt Nam Nông Văn Đuổng. Khi hy sinh, tay anh vẫn cầm chặt máy ảnh. Ông Đuổng kể lại: Tôi hỏi Takano "đến tận Việt Nam, đi vào nơi pháo đạn làm gì?". Ông ấy bảo: "Sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa". Tôi hỏi: "Nếu không may hy sinh thì sao?", Takano đáp: "Hy sinh là tất nhiên vì sự nghiệp".
Takano để lại một sự nghiệp báo chí phong phú, trong đó có rất nhiều phóng sự, tin tức, hình ảnh về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân Việt Nam. Những hình ảnh được anh ghi lại đã mô tả chân thực về tinh thần quả cảm, anh dũng nhân dân Việt Nam, quyết bảo vệ từng tấc đất quê hương. Với vốn tiếng Việt phong phú, sâu sắc, anh còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học (từ tiếng Việt sang tiếng Nhật), góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Nhật Bản và quốc tế. Sau khi hy sinh, Takano Isao được Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng ký quyết định truy tặng Huân chương Hữu nghị. |
"Takano Isao ra đi là mất mát quá lớn và tạo nên sự xúc động sâu sắc trong lòng những người Việt Nam yêu quý anh. Trong 36 năm cuộc đời, Takano đã dành trọn 12 năm gắn bó với Việt Nam. Đó là tình yêu kỳ diệu đối với tiếng Việt và người Việt, là niềm tin vào khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ đất nước", PGS.TS Nguyễn Thiện Nam nói.
Ngày nay, tấm bia tưởng niệm Takano Isao, người Nhật duy nhất nằm lại chiến trường biên giới phía Bắc, được đặt chung vào nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng, nơi hàng nghìn liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh cho Tổ quốc.
Trong lễ kỷ niệm 55 thành lập Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Thanh - cô giáo của anh Takano kể: Dù đã nhiều năm bà vẫn lưu giữ những bức ảnh do Takano Isao chụp cho gia đình bà như kỷ vật quý của một người con thân yêu.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cho biết: “Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có 3 niềm vinh dự gắn với anh Takano Isao - cựu sinh viên của khoa. Niềm vinh dự thứ nhất: đào tạo một sinh viên quốc tế học tiếng Việt thành phóng viên chiến trường dấn thân vì lẽ phải của Việt Nam. Niềm vinh dự thứ hai: có một cựu sinh viên hy sinh thân mình vì tình yêu đối với đất nước Việt Nam. Niềm vinh dự thứ ba: được chính gia đình, người thân của anh Takano Isao tin tưởng và trao tặng kỉ vật sinh tử của anh trên chiến trường.
Chiếc máy ảnh nhuốm máu của anh Takano Isao đã trở thành biểu tượng cao quý của mối ân tình giữa Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt và cựu sinh viên quốc tế, giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội) với gia đình anh Takano, giữa những người Việt và người Nhật, giữa tình yêu son sắt của anh Takano lúc sinh thời và ước vọng hòa bình anh để lại".
Nhà báo Takano Isao trở thành niềm cảm hứng cho nhiều người Việt Nam yêu quý, ngưỡng mộ, khâm phục ông. Nổi bật là ca khúc "Takano - Nhân chứng quả cảm" do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác khi ông trở lại chiến tuyến biên giới phía bắc chỉ vài ngày sau khi Takano Isao hy sinh. Ca khúc có đoạn viết: "Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ. Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói, tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở. Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý. Dòng máu ấm tình người, anh dâng hiến cuộc sống. Ngược không gian anh đi, băng suốt thời gian anh đi, ngàn giông tố gian nguy anh không hề ngơi nghỉ". Bài hát “Takano - Nhân chứng quả cảm” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm, phát sóng rộng rãi và được nhiều ca sĩ nổi tiếng Việt Nam trình diễn trong và ngoài nước. Năm 1979-1980, bài hát được ca sĩ Ái Vân trình diễn tại Nhật Bản và gây tiếng vang lớn đối với người dân Nhật. |
Vietnam Kun - Chàng trai Nhật mong muốn trở thành cầu nối văn hóa Nhật Bản - Việt Nam |
Những ngôi trường dạy tiếng Việt tại Nhật Bản |