Dìu dịu hương tỏi Lý Sơn giữa mặn mòi biển cả

2025-01-17 20:38:19

Tỏi, hành ở đây cũng giống như những hùng binh năm xưa. Họ vượt qua muôn ngàn sóng gió Biển Đông để ghi dấu ấn Việt Nam trên đất mẹ Hoàng Sa thân yêu!

Vuông tỏi xanh nơi đầu sóng

Những ruộng bậc thang cát trắng trồng tỏi là nét đặc biệt của huyện đảo Lý Sơn. Với địa hình tương đối dốc, vuông tỏi gợi nhớ ruộng bậc thang ở vùng núi Tây Bắc.

Vuông tỏi gợi nhớ ruộng bậc thang ở vùng núi Tây Bắc

Anh Trương Đình Thành (xã An Hải) là người đầu tiên đăng ký thương hiệu hành tỏi Lý Sơn. Anh chia sẻ: “Ở đảo Lý Sơn, tỏi và hành là 2 loại cây trồng chủ lực. Mỗi năm người dân ở đây trồng 1 vụ tỏi và 3 vụ hành. Vụ tỏi bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 và thu hoạch vào tháng giêng, tháng 2 Âm lịch năm sau. Sau khi thu hoạch tỏi, người dân tiếp tục trồng hành. Xen giữa 2 vụ hành, tỏi là 1 vụ ngô, đậu xanh, mè (vừng) và dưa hấu…”.

Cây tỏi mang lại nguồn thu lớn cho người dân vùng đảo xa của Tổ quốc

Ở Lý Sơn, nước uống cho người đã thiếu, nước tưới cho cây tỏi lại càng khó gấp bội, vậy mà cây tỏi vẫn vượt qua nắng cháy, đem đến hương vị độc đáo cho đời. Tỏi Lý Sơn không to như tỏi Huế và tỏi miền Bắc, không cay nồng, hăng hắc mà có mùi dìu dịu.

Hiện nay, tỏi khô Lý Sơn được bán với giá 50 – 60 nghìn đồng/kg, riêng tỏi cô đơn (tỏi một tép) có giá từ 1,1 – 1,2 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, nghề trồng hành, tỏi ở đây đang gặp khó do thiếu nguồn nước ngọt và cát trắng

Tuy nhiên, nghề trồng hành, tỏi ở Lý Sơn hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cát trắng và nước ngọt. Anh Thành cho biết thêm: “Cát trắng là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp trên đảo, nhất là trong canh tác hành tỏi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nguồn cát trắng đang khan hiếm dần. Các cơ sở khoa học cần nghiên cứu, tìm ra phương pháp mới để trồng hành tỏi mà không tốn quá nhiều cát trắng, trong khi vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có của nó”.

Phiên chợ đặc biệt

Ở đảo Lý Sơn có phiên chợ đặc biệt để giới thiệu đặc sản hành, tỏi. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gặp gỡ, giao lưu tình cảm của phụ nữ miền biển, phiên chợ còn là nét đẹp văn hóa của cư dân vùng biển đảo. Không ai biết phiên chợ có từ khi nào. Chỉ biết rằng, nhiều gia đình, các tộc họ trên đảo có cuộc sống ổn định, cho con ăn học và thương hiệu hành, tỏi nơi đây bay xa cũng từ phiên chợ này.

Sau khi thu hoạch, tỏi được đưa đến phiên chợ dành riêng cho mặt hàng đặc biệt này

Phiên chợ hành, tỏi nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Chợ diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ sáng. Người dân đất đảo cho biết, họp chợ sớm để thương buôn thu mua hành, tỏi kịp chuyến lên tàu đưa hàng vào đất liền, đi khắp đất nước. Họp chợ là những nông dân mang hành, tỏi bán cho các thương buôn từ đất liền ra.

Có mặt từ 4 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Dư (xã An Vĩnh) bộc bạch, gần 30 năm là thời gian bà bám chợ để mưu sinh. Đến chợ, ngoài bán hành, tỏi cho thương buôn, bà còn kiêm luôn việc đóng bao thuê. Nhờ gắn bó phiên chợ này, bà Dư chia sẻ gánh nặng cùng chồng hàng ngày bám biển khơi xa và nuôi con ăn học.

Khi 23 tuổi, bà Dư đã theo mẹ ra chợ để bán hành, tỏi của gia đình cho thương buôn. Lúc ấy, chợ không nhộn nhịp như bây giờ. Số lượng hành, tỏi chuyển về đây cũng không nhiều. Khi được công nhận thương hiệu và Lý Sơn có điện lưới quốc gia thì phiên chợ đặc biệt này luôn tấp nập. Dù nắng hay mưa, chợ vẫn diễn ra như một nét đẹp truyền thống của người dân đảo.

Từ đây, tỏi Lý Sơn được đưa về đất liền, phân phối tới khắp miền đất nước

Đến với phiên chợ hành, tỏi ngày nay còn có nhiều khách du lịch. Tới đây, du khách không chỉ mua hành, tỏi chính hiệu mà còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người dân đảo. Chợ hành, tỏi thật sự đã mang đến những trải nghiệm riêng biệt cho du khách.

“5 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở phiên chợ đặc biệt này để tìm mua hành, tỏi của bà con vừa thu hoạch. Bởi hành, tỏi nơi đây rất đảm bảo về chất lượng. Chúng tôi không ngờ, để tạo nên củ hành, củ tỏi có mùi thơm đặc trưng thế này, bà con nông dân phải mất nhiều công sức đến thế. Tôi nghĩ chỉ có cư dân đảo Lý Sơn mới cần cù như vậy”, anh Trương Đình Tùng, một du khách từ Hà Nội bày tỏ.

Lúc đầu, bà Ngô Thị Liêm (xã An Vĩnh) cũng như nhiều nông dân khác, đến chợ để bán hành, tỏi cho thương buôn. Lâu dần, bà chuyển sang thu mua, chuyển đi tiêu thụ đi khắp cả nước.

Mặt hàng này cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài bởi hương vị đặc trưng, hiếm có

Mỗi ngày, từ phiên chợ, hàng chục tấn hành, tỏi được đóng bao, vượt biển vào đất liền và chuyển tới tay người tiêu dùng khắp trong và ngoài nước.

Để có sản phẩm tỏi ngon, mang đậm hương vị đặc trưng riêng có, người dân Lý Sơn phải trải qua bao nỗi nhọc nhằn, trăn trở. Dẫu vậy, người dân vẫn quyết giữ nghề, vốn là nguồn nuôi sống tổ tiên con cháu họ bao đời nay.

Từ tinh hoa nghề truyền thống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, củ tỏi Lý Sơn ngày đậm vị. Nó không những được nhiều người Việt Nam biết đến mà còn được bạn bè thế giới ưa thích.

Mạnh Phúc

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024

Top