Giáo sư Việt nhận phần thưởng cao quý - Huân chương Nhà nước Hungary |
Cộng đồng người Việt tại Thái Lan là cầu nối gắn kết, nâng tầm quan hệ song phương |
Trong suốt thời gian làm việc ở Hungary bản thân giáo sư cũng đã cố gắng góp phần nhỏ để nâng tầm của người Việt Nam tại Hungary. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Giáo sư về Cộng đồng người Việt Nam tại đây cũng như phương thức phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào.
- Thưa Giáo sư, ngài có thể chia sẻ về cơ duyên của mình với đất nước Hungary?
Sau khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán ở trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi cùng 5 bạn khác của lớp chuyên toán được sang học tại trường sư phạm Eger mang tên Hồ Chí Minh ở Hungary theo thỏa thuận hợp tác. Tại trường sư phạm Eger, sinh viên Việt Nam luôn dẫn đầu các cuộc thi học sinh giỏi toán giữa các trường sư phạm toàn Hungary, bản thân tôi đã 3 lần đạt giải nhất. Từ năm thứ 2, tôi đã tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia báo cáo các kết quả mình đạt được trong các hội nghị toán học sinh viên toàn Hungary. Năm 1976, tôi được nhận giải thưởng Rényi Kató của Hội Toán Học Hungary trao cho các sinh viên có thành tích trong nghiên cứu khoa học.
GS Bùi Minh Phong được Nhà nước Hungary trao tặng Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ cao quý. |
Hungary là một cường quốc toán học dù dân số chỉ gần 10 triệu người. Trên tất cả các chuyên ngành toán học, lĩnh vực nào Hungary cũng có người xuất sắc như: Pólya György, Neumann János, Erdős Pál, Szőkefalvi-Nagy Béla, Turán Pál, Rényi Alfréd, Lovász László... Được học toán trong một môi trường như vậy quả thật là một sự may mắn.
Con người và đất nước Hungary với tôi là hết sức thân thương và đáng quý. Các đồng nghiệp của tôi luôn nhiệt tình và giúp đỡ nhau. Tôi có hai người thầy nâng đỡ tôi nhiều trong chuyên môn đó là GS Kiss Péter và GS. VS. Kátai Imre. Với GS.VS Kátai Imre tôi đã viết chung được 52 bài báo khoa học.
Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp ELTE trao cho GS Bùi Minh Phong danh hiệu Giáo sư danh dự. |
Sau khi học xong, tôi cảm mến đất nước và con người nơi đây nên lựa chọn ở lại làm việc và định cư tại đất nước này.
- Được biết, dù sống và làm việc ở Hungary nhưng Giáo sư cũng có rất nhiều hoạt động gắn bó nơi quê nhà, Giáo sư có thể chia sẻ về điều này tới độc giả?
Dù sống ở đâu và làm gì, tổ quốc nơi mình sinh ra và trưởng thành là quan trọng nhất. Vì thế, tôi luôn dõi theo và quan tâm về tình hình đất nước với một tình cảm đặc biệt.
Tuy học và làm việc ở Hungary thời gian gần 44 năm (5 năm học đại học và 39 năm thực tập và làm việc), nhưng tôi vẫn là người của quê hương Hà Tĩnh, vẫn nói giọng của người xứ Nghệ, vẫn nghe hàng ngày những ca khúc quê hương.
Dịp kỷ niệm 150 năm thành lập huyện Hương Khê năm 2017, tôi vinh dự được mời về tham gia ngày hội, đại diện cho những người con thành đạt của quê hương đang công tác ở nước ngoài. Dịp đó tôi có cuộc nói chuyện và truyền lửa cho các em học sinh quê nhà. Cuộc nói chuyện dài hơn 2 tiếng đã để lại dư âm tốt cho học sinh trường THPT huyện Hương Khê.
Trước đó, trong thời gian 2006-2016 tôi nhiều lần tham gia vào các đoàn của trường ELTE thăm và làm việc với các trường đại học và các viện khoa học của Việt Nam. Năm 2015 tôi đại diện cho bà con Việt Nam tại Hungary về dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Năm 2018 tôi tham gia vào đoàn 70 Việt kiều thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Hội người Việt Nam tại Hungary thành lập năm 1995 đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam tại Hungary. Sau này Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary ra đời thống nhất các tổ chức trong cộng đồng thành một tổ chức duy nhất đại diện cho người Việt Nam tại Hungary. Hiệp hội đã thu hút được sự ủng hộ đông đảo của bà con, cùng ĐSQ tổ chức thành công các sinh hoạt cho cộng đồng như Tết, ngày sinh nhật Bác, ngày quốc khánh, Tết trung thu... Hiệp hội đã nhiều lần quyên góp ủng hộ bà con bị bão lụt ở Việt Nam với tinh thần lá lành đùm lá rách. Tôi là một thành viên trong ban lãnh đạo của hiệp hội và đã cùng tập thể lãnh đạo hoàn thành tốt các công việc đặt ra. Tôi hoạt động công tác Hội từ năm 1995 tới năm 2017.
Giáo sư Bùi Minh Phong trong chuyến ra thăm Trường Sa năm 2018. |
Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary có khoảng 5.000 - 6.000 người. Tuy số lượng khiêm tốn nhưng là một cộng đồng được nước bạn đánh giá cao, là một cộng đồng có tiềm năng. Trong đó, Hội trí thức người Việt Nam tại Hungary có khoảng 100 người với 6 giáo sư và nhiều phó giáo sư, tiến sĩ nhiều chuyên gia tin học và kinh tế. Có 30-40 người làm việc cho các trường, viện, công ty của nước bạn.
Thế hệ kiều bào thứ hai tại Hungary đã đạt các giải cao trong các kỳ thi chuyên môn như toán, vật lý, văn cũng như các kỳ thi năng khiếu như nhạc, cờ vua, thể dục thể thao…. Nhiều cháu bảo vệ tiến sĩ hay giữ những cương vị quan trọng trong các công ty đa quốc gia cả ở Hungary hay các nước khác trên thế giới.
Đặc biệt nhiều cháu sinh sống và học tập thời gian dài ở Hungary đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, đưa những kiến thức học được ở nước bạn về phục vụ quê nhà.
-Theo giáo sư, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước?
Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến bà con Việt Nam sống ở nước ngoài, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con về thăm và đóng góp cho đất nước. Nghị quyết 36 về công tác người Việt nam ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho bà con, các cháu học sinh về tham dự các sinh hoạt trong nước (các hội nghị Việt Kiều lần 1, 2..., trại hè Việt Nam, giỗ tổ Hùng Vương, Chương trình Xuân Quê hương, thăm Trường Sa...). Đây là những nỗ lực của đất mẹ giành cho bà con sống ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo tôi cần có những chính sách và phương pháp thu hút trở lại nhân tài Việt Nam phục vụ đất nước. Thực tế những cháu học giỏi được gửi đi học theo con đường nhà nước hay tự túc, tỷ lệ về lại đất nước làm việc khá khiêm tốn. Đây là một vấn đề cần giải quyết và có thể tham khảo các nước xung quanh như Nhật, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.
-Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Trí thức Việt Nam tại Hungary cùng thảo luận phát triển quê hương |
GS.TS. Phan Thiện Nhân và cơ duyên gắn bó với "đảo quốc sư tử" |