Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland, chiều 3/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Viện Nghiên cứu và Đào tạo về xử lý sinh học quốc gia Ireland.
Tại đây, đại diện Viện Nghiên cứu và Đào tạo về xử lý sinh học quốc gia Ireland giới thiệu khái quát về hoạt động nghiên cứu và đào tạo của viện, cho thấy đây là cơ sở nghiên cứu và đào tạo có chức năng hỗ trợ ngành công nghiệp dược sinh học.
Viện được thành lập với mục tiêu cung cấp các giải pháp đào tạo và nghiên cứu tiên tiến, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất các loại thuốc sinh học phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý sinh học.
Viện Nghiên cứu được đặt trong Công viên Sáng tạo Belfield thuộc khuôn viên Đại học Dublin (UCD). Cơ sở của viện bao gồm 6.500m2 với bảy phòng thí nghiệm nghiên cứu, một nhà máy thí điểm xử lý sinh học mô phỏng GMP (thực hành sản xuất tốt), cùng các phòng đào tạo và văn phòng.
Viện cung cấp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho các nhân sự làm việc trong lĩnh vực sản xuất dược sinh học, bao gồm từ đào tạo cơ bản đến nâng cao trong quy trình sản xuất thuốc sinh học, đặc biệt là trong môi trường GMP.
Viện hợp tác với các tổ chức giáo dục hàng đầu và các công ty dược phẩm lớn trên thế giới để giải quyết các thách thức trong sản xuất và phát triển dược phẩm sinh học.
Viện đề ra Chiến lược giai đoạn 2024-2028, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu và đổi mới về xử lý sinh học.
Các mục tiêu chính bao gồm: Tăng cường các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp; thúc đẩy hợp tác giữa viện và các doanh nghiệp; thúc đẩy những tiến bộ công nghệ trong xử lý sinh học.
Chiến lược này nhằm mục đích đưa viện trở thành đơn vị vào top các viện nghiên cứu và đào tạo toàn cầu về xử lý sinh học, góp phần vào sự phát triển của ngành dược phẩm sinh học tại Ireland và trên thế giới.
Sau khi nghe giới thiệu khái quát về hoạt động nghiên cứu và đào tạo của viện và tham quan cơ sở nghiên cứu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ ấn tượng về cơ sở vật chất hiện đại, môi trường làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là các thành tích của viện đạt được trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
Không chỉ là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dược và công nghệ sinh học, mà đây còn là một cơ sở nghiên cứu uy tín, cung cấp các giải pháp chuyên môn cho ngành dược phẩm sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực năng động và đổi mới nhất trên thế giới, với những tiến bộ khoa học và công nghệ làm thay đổi các ngành chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng và môi trường bền vững.
Sự phát triển của công nghệ sinh học ở Việt Nam cho đến nay đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như y học, nông nghiệp, thực phẩm, công nghiệp, năng lượng và môi trường.
Trong số đó, lĩnh vực dược phẩm đang phát triển nhanh nhất và có quy mô thị trường lớn nhất để ứng phó với sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau.
Các sản phẩm chẩn đoán nhanh có thể được phát triển nhanh chóng, giúp giảm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm toàn cầu trước khi phát triển vaccine.
Trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, môi trường và các lĩnh vực khác, với việc nâng cao hiệu quả chi phí và yêu cầu thân thiện với môi trường, việc áp dụng công nghệ sinh học để phát triển sản phẩm ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học nói chung.
Mong muốn kêu gọi các đối tác nước ngoài quan tâm và đầu tư về công nghệ sinh học tại Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết với vai trò quan trọng của lĩnh vực công nghệ sinh học, Việt Nam đã định hướng rõ ràng trong các nghị quyết khác nhau như Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 về Chương trình hành động phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới với hai mục tiêu chính: Tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghệ sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Việt Nam đã định hướng một số công nghệ lõi trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho Việt Nam cần nghiên cứu, đầu tư và hợp tác làm chủ công nghệ trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 như Trí tuệ Nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chỉnh sửa gene, y học chính xác, công nghệ tế bào vi sinh vật, công nghệ phát triển vaccine thế hệ mới.
Hiện nay, Việt Nam đã thành lập một số khu công nghệ cao để góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ cao trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên, trong đó có công nghệ sinh học.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo sinh học quốc gia được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa ngành công nghiệp, Chính phủ và Học viện từ năm 2011.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ tại Việt Nam, gọi đó là sự kết hợp của ba nhà: "Nhà nước, nhà khoa học hay nhà nghiên cứu và nhà công nghiệp."
Sự kết hợp này đem lại những kết quả thiết thực thông qua việc Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong đó nhà khoa học là trung tâm.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghiên cứu về công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân (trọng tâm là công nghệ vaccine thế hệ mới, chẩn đoán, điều trị các bệnh mới nổi, tái nổi và các bệnh lây truyền từ động vật sang người...) và đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học; thúc đẩy các chương trình nghiên cứu chung, các chương trình đào tạo giữa các viện, trường và các nhà khoa học, trong đó có vai trò hợp tác mạnh mẽ của Viện Nghiên cứu và Đào tạo về xử lý sinh học quốc gia Ireland./.
Ngày 3/10, tại thủ đô Dublin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Ireland Jerry Buttimer.