Ngày 28/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố (30/6/1954-30/6/2024).
Lễ kỷ niệm là sự kiện chính trị quan trọng, mốc son để ôn lại truyền thống và ghi nhận, tri ân sự anh dũng hy sinh, công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân thành phố trong chặng đường 70 năm qua.
Thành phố Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, một phần không thể tách rời của vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm lịch sử.
Trong suốt chặng đường lịch sử, thành phố Ninh Bình đã trở thành một trong những vùng đất trọng yếu, then chốt trong thế trận quân sự của đất nước và các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, là trung tâm giao thương quan trọng của vùng.
Năm 1954, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình) cùng nhân dân toàn tỉnh đã chiến đấu anh dũng và giành nhiều thắng lợi trên tất cả các mặt trận.
Ngày 30/6/1954, thị xã Ninh Bình được hoàn toàn giải phóng.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền thị xã Ninh Bình đã lãnh đạo nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đấu tranh anh dũng kiên cường, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần tích cực vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước hòa bình, người dân thị xã Ninh Bình đã cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước tập trung sức lực, trí tuệ, ổn định đời sống, khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tháng 12/2005, thị xã Ninh Bình được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3; đến tháng 2/2007 được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Tháng 5/2014, thành phố được công nhận là đô thị loại 2.
Đến nay, kinh tế tiếp tục phát triển, năm sau cao hơn năm trước; tốc độ tăng giá trị sản xuất kinh doanh, doanh thu của các cơ sở kinh doanh bình quân các nhiệm kỳ đạt trên 10%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cảnh quan đô thị sáng-xanh-sạch và đẹp hơn. Các công trình, dự án lớn được xây dựng, tạo điểm nhấn về diện mạo cảnh quan đô thị.
Toàn thành phố chỉ còn dưới 0,7% số hộ nghèo, có 3/14 phường, xã không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm trên 40%.
Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh-trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
Với những thành tựu, kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Ba.
Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thành phố được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tích của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Ninh Bình đã đạt được.
Những kết quả trên là tiền đề, nền tảng quan trọng, vững chắc hướng tới tương lai để thành phố Ninh Bình hợp nhất với huyện Hoa Lư trở thành thành phố Hoa Lư là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, là hạt nhân xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo theo đúng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình tiếp tục tập trung hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 16 ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Ủy ban Nhân dân thành phố khẩn trương hoàn thành Chương trình phát triển đô thị thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040 và Đề án phân loại đô thị "thành phố Hoa Lư" nhằm đánh giá hiện trạng, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai tổ chức công tác đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí để thực hiện thủ tục sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền công nhận đô thị sau khi hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, định hình cho sự phát triển của đô thị trung tâm tỉnh Ninh Bình.
Ủy ban Nhân dân thành phố cần tập trung xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, các quy định về quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị để làm cơ sở quản lý, phát triển thành phố Hoa Lư trong tương lai.
Căn cứ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các Quy hoạch có liên quan, Ủy ban Nhân dân thành phố định hướng phát triển cho từng vùng, địa phương với tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có, huy động tối đa nguồn lực phát triển bền vững; phát triển đô thị đồng bộ, hài hòa theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa." Đồng thời tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Dịp này, Ủy ban Nhân dân thành phố Ninh Bình tuyên dương và công nhận danh hiệu "Công dân thành phố Ninh Bình tiêu biểu" cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước và xây dựng thành phố./.
Thủ tướng lưu ý Ninh Bình thực hiện 5 “bảo đảm” trong triển khai quy hoạch tỉnh gồm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển và tính linh hoạt, mở rộng quy hoạch.