Tuồng truyền thống là cơ sở nền tảng của sân khấu tuồng, song để phát huy được các giá trị truyền thống, đòi hỏi người sáng tác và dàn dựng các vở diễn phải am hiểu thấu đáo và sử dụng thành thục ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật này. Vấn đề bảo tồn cần được hiểu chính xác từ nội hàm của nó, và phục dựng tuồng cổ có thể trung thành nguyên dạng hoặc có sự can thiệp nhất định để chỉnh lý kịch bản, cải biên trong dàn dựng, biểu diễn cho phù hợp đương đại.
Tuy nhiên, việc cải biên không được phép tùy tiện, làm thay đổi những đặc trưng của tuồng, gây phản cảm cho công chúng. Điều đó có nghĩa, phải ý thức được giới hạn của chỉnh lý và cải biên để không phá vỡ diện mạo và hồn vía của nguyên bản. Vấn đề bảo tồn đối với sân khấu tuồng không giống như bảo tồn cổ vật dưới dạng vật thể, mà là hoạt động sống động thông qua người nghệ sĩ, để những vở tuồng truyền thống, những hình tượng nhân vật được tái hiện như trong hoàn cảnh lịch sử mà nó đã ra đời.
Nghệ sĩ Kiều Oanh (Nhà hát Tuồng Việt Nam) trong trích đoạn Ông già cõng vợ đi hội.
Như vậy, việc bảo tồn tuồng truyền thống đòi hỏi sự đầu tư công phu, lâu dài, không hề đơn giản, cấp thời và thuộc công việc thường xuyên của các đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp, đồng thời gắn liền công tác nghiên cứu lý luận, quảng bá giới thiệu tinh hoa tuồng đến với công chúng, đưa tuồng đến thế hệ trẻ thông qua dự án sân khấu học đường, với hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch, cũng như gắn nó với công tác đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ...
Sân khấu tuồng truyền thống được duy trì và tái hiện trước khán giả không như một thực thể trừu tượng hoặc chỉ được trình bày, diễn giải một cách gián tiếp qua các công trình nghiên cứu lý luận. Mặc dù điều này là cần thiết trong quá trình nâng cao nhận thức của người xem đối với di sản quá khứ, cũng như góp phần giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, nhằm chuẩn bị tri thức và tâm thế cho công chúng, nhất là giới trẻ làm quen với tuồng. Điều này đặt ra tầm quan trọng của công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ chuyên nghiệp và chuyên sâu, để di sản tuồng truyền thống không bị đứt gẫy và được duy trì qua các thế hệ nghệ sĩ. Công việc này gần giống khâu chuyển giao công nghệ, nhưng tinh tế và phức tạp hơn. Kinh nghiệm của sân khấu tuồng truyền thống rất cần sự chuyên sâu của từng nghệ sĩ, diễn viên với những vai diễn phù hợp và tương thích sở trường của từng người.
Trong khi đó, ở các đoàn nghệ thuật tuồng hiện nay lại phổ biến hiện tượng một diễn viên được đóng nhiều vai, nhiều loại nhân vật khác nhau, dẫn đến tình trạng diễn xuất nhân vật nào cũng nửa vời, không gây ấn tượng mạnh. Đáng quan ngại hơn, số diễn viên trẻ trong các đoàn tuồng không nắm vững nhiều làn điệu tuồng cổ và lúng túng khi thực hiện những động tác hình thể phức tạp, nhất là những trình thức gắn liền với từng loại vai trong những khoảnh khắc có kịch tính cao, như động tác lăn, bê, xiến,... Nhiều diễn viên trẻ chỉ cố gắng bắt chước một cách thụ động, thiếu tự nhiên và vô cảm.
Vì thế, không tạo được sức truyền cảm sâu đậm tới người xem. Đó cũng là lý do khiến khán giả hôm nay ngày càng xa rời sân khấu tuồng, vì không tìm thấy ở đó chất tuồng đích thực, với những lớp diễn đầy tính biểu tượng và mang tính tạo hình đặc sắc vốn đầy ắp trong tuồng truyền thống, như ở những trích đoạn nổi tiếng: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Trấu Sáng qua song, Hoàng Phi Hổ qua cửa ải, Đổng Mẫu Thượng Thành, Châu Xương cấy râu, Trương Phi xướng rượu...
Qua dẫn giải trên, có thể thấy công việc bảo tồn tuồng truyền thống không thể tách rời các khâu hữu quan khác, để chỉ được xem như hoạt động mang tính nội bộ của từng đơn vị nghệ thuật tuồng. Bảo tồn sân khấu tuồng truyền thống đã và đang động chạm đến hàng loạt vấn đề thiết thân khác, liên quan sự tồn tại của tuồng cũng như sự trụ lại của từng đơn vị nghệ thuật trong đời sống sân khấu hiện nay. Đã đến lúc, phải đưa nhiệm vụ bảo tồn tuồng nằm trong chiến lược phát triển của các loại hình sân khấu truyền thống nói chung, đáp ứng nhu cầu của thẩm mỹ sân khấu hiện đại.
Theo Nhân Dân
Nguồn bài viết : sxmb