Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chỉ ra một điểm sẽ khiến doanh nghiệp Việt 'hỏng, không thể lớn được. |
Cái tôi của doanh nghiệp Việt
"Tôi rất mong muốn các doanh nghiệp không chỉ Vingroup, Viettel mà các doanh nghiệp Việt Nam mình gắn kết được với nhau để làm việc", Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ về sự liên kết của doanh nghiệp Việt Nam trong một buổi trò chuyện cách đây vài năm. Ông Vượng lấy ví dụ về các doanh nghiệp Trung Quốc rất gắn kết, hỗ trợ và bảo trợ nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp Hong Kong. Thậm chí họ còn có triết lý "không có doanh nghiệp Hong Kong phá sản", bởi khi một doanh nghiệp gặp khó sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hương cùng quay lại giúp đỡ, gánh vác cùng.
Tất nhiên với doanh nghiệp Việt Nam, ông Vượng cũng cho rằng: "Mình chưa cần phát triển đến mức độ như vậy, vì thực sự cũng chưa khả thi nhưng ít nhất ở mức độ nào đấy mình đoàn kết, hỗ trợ nhau, giảm được cái tôi trong mình đi. Cái tôi của các doanh nghiệp Việt, đại gia Việt lớn lắm!".
Ông Vượng lấy ví dụ về cái tôi của các doanh nghiệp Việt. Cụ thể là có thể ngồi với nhau nhưng không ai chịu ai, ai cũng muốn mình là vua. Hoặc trường hợp khác là 2 lãnh đạo dù có ngồi chung mâm, uống rượu cùng nhau nhưng "hở ra chỗ nào ngon thì ông kia sẽ quay về chiến luôn".
"Mọi người chỉ nghĩ đến những ngày thịnh mà không nghĩ đến ngày suy, không nghĩ đến ngày trái gió trở trời mình hoàn toàn có thể khó khăn. Lúc đấy ai sẽ giúp mình? Ok, tôi đang ngon tôi phải là vua các ông đang yếu kém quên các ông đi. Không ai chịu nhường ai, không ai chấp nhận ai. Nếu thế thì tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hỏng, không thể lớn được", Chủ tịch Vingroup đánh giá. Theo ông Vượng, trên thương trường, thực sự phải có đối thủ cạnh tranh đủ mạnh, đủ tầm doanh nghiệp của mình mới lớn được.
Thực tế về điểm yếu trong liên kết của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đã từng được nhiều chuyên gia chỉ ra. Theo Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Asean (ASEAN-BAC) hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu "mạnh ai người ấy làm" hoặc "làm tất ăn cả", chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình, chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng.
Hơn nữa, một điều không thể phủ nhận là các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong quản lý, định hướng, nhất là hiệp hội ở các địa phương còn yếu kém, chưa tạo dựng được một sức mạnh đại diện cho tập thể đủ lực để cạnh tranh.
Tiến sĩ Khương cho rằng những hạn chế này là những lý do khiến các doanh nghiệp Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, đấy là chưa nói đến thị trường thế giới. Những doanh nghiệp lớn mạnh hẳn thì có thể tự lo cho mình, còn hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động manh mún, thiếu đoàn kết, và có lúc cạnh tranh không lành mạnh.
Cũng chính vì thiếu liên kết, hoạt động nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là các doanh nghiệp gỗ và dệt may đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của công ty nước ngoài, bởi năng lực hạn hẹp, công nghệ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng và số lượng của đối tác nước ngoài. Ngược lại, nếu biết kết hợp các thế mạnh của nhau, tạo nên chuỗi giá trị trong từng ngành hàng, đưa ra những sản phẩm uy tín, chất lượng thì chắc chắn trong tương lai không xa, sản phẩm mang thương hiệu Việt sẽ có tên trên bản đồ thương hiệu thế giới.
Quan điểm tương đồng của Jack Ma
Jack Ma cũng có quan điểm tương tự ông Phạm Nhật Vượng khi từng chỉ ra rằng con người chỉ khi phải đối mặt với thử thách mới có thể tiến bộ. Nhà quản lý muốn doanh nghiệp của mình không bị đánh bại cần phải dốc toàn bộ sức lực, vắt kiệt trí óc để phát triển doanh nghiệp, một doanh nghiệp như vậy mới có thể phát triển không ngừng.
Theo Jack Ma, không nên coi đối thủ cạnh tranh là kẻ thù, không nên giở mọi thủ đoạn chiêu trò, thậm chí dồn đối thủ cạnh tranh vào bước đường cùng. Trong con mắt của Jack Ma, đối thủ cạnh tranh trên thị trường không phải là kẻ thù, ông chỉ cạnh tranh với bản thân. Nhà sáng lập Alibaba cho rằng đỉnh cao của nghệ thuật cạnh tranh đó là "trong lòng không tồn tại kẻ thù".
Năm 2010, trong bài diễn thuyết, khi đề cập đến cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp, Jack Ma cho rằng cạnh tranh mà khiến doanh nghiệp chết đi sống lại là cạnh tranh ngu ngốc:
"Doanh nghiệp phải đối mặt nhiều nhất là đối thủ cạnh tranh, bao gồm trong số chúng ta ở đây có rất nhiều người là đối thủ cạnh tranh của nhau. Alibaba và Taobao đã xây dựng nên 2 thị trường, có rất nhiều người ngày nào cũng phá giá, chúng tôi đưa ra giá 50 triệu nhân dân tệ, họ lại đưa ra giá 40 triệu nhân dân tệ. Đó chính là chiến lược cạnh tranh ngu ngốc. Chỉ có kẻ ngốc mới làm như vậy, đó không phải là nhà doanh nghiệp. So sánh giá thể hiện điều gì, anh hùng chăng?
Đỉnh cao của nghệ thuật cạnh tranh là gì? Cạnh tranh là một điều vô cùng thú vị, nếu bạn đau khổ, bạn chắc chắn đã đi sai đường. Sự thú vị của cạnh tranh ở chỗ, hai doanh nghiệp cạnh tranh giống như chơi cờ vậy, bạn thua chúng tôi lại tấn công. Một doanh nghiệp chân chính không có đối thủ, trong lòng không có đối thủ, vô địch thiên hạ. Trong mắt bạn không nên chỗ nào cũng chỉ thấy đối thủ, trên thị trường toàn là đối thủ.
Thế nào gọi là chiến lược sinh thái của doanh nghiệp? Trong tự nhiên, sư tử châu Phi ăn thịt sơn dương, không phải là căm thù sơn dương mà bởi vì chúng cần ăn thịt sơn dương, có như vậy chúng mới có thể sinh tồn. Khi cạnh tranh, bạn nhất định không được mang trong mình nỗi hận thù, nếu trong lòng chất chứa căm hận sẽ chỉ đem lại thất bại".
Nguồn bài viết : Club V E-Gaming