Body shaming vô cớ: ‘Mạng xã hội mà, nghiêm túc quá làm gì’

2025-01-17 20:39:35
Nhiều người "vô tư" lôi khiếm khuyết trên cơ thể người khác ra chê bai, làm trò cười từ trên mạng đến ngoài đời, mà không quan tâm nạn nhân sẽ chịu đả kích như thế nào.

Chàng trai bỗng trở thành chủ đề bàn tán, giễu cợt ngoại hình và chế ảnh khắp mạng xã hội khi được bạn nữ nói giống T.O.P (Big Bang) tại chương trình Bạn muốn hẹn hò phát sóng từ năm 2015.

Cô gái vô tình “lên sóng” khi ngồi trên khán đài theo dõi trận bóng giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan nhận hàng nghìn ý kiến chê bai nhan sắc khiếm nhã, thiếu văn minh từ người lạ.

Cũng tình cờ lọt vào ống kính máy quay, nữ sinh trong phòng thi lớp 10 ở Hà Nội bất ngờ bị dân mạng "ném đá" vì cho rằng “nhan sắc thế này mà cũng xuất hiện trên truyền hình”.

Những cá nhân vô duyên vô cớ bị đám đông body shaming như 3 bạn trẻ trên không hiếm, nhất là trong thời đại mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu với nhiều người như hiện nay.

Body shaming vo co: ‘Mang xa hoi ma, nghiem tuc qua lam gi’ hinh anh 3
Body shaming là vấn đề có thể xảy đến với bất kỳ ai. Ảnh: Jim Cooke.

Erika Vargas - bác sĩ tâm lý học lâm sàng vị thành niên người Mỹ - cho biết theo định nghĩa phổ biến nhất, body shaming là hành động chế giễu, nhạo báng hình dáng hay kích thước cơ thể người nào đó.

“Body shaming biểu hiện theo nhiều cách như: Tự chê bai bản thân hoặc so sánh với người khác, chỉ trích trước mặt, bình phẩm sau lưng nạn nhân”, nữ bác sĩ chỉ ra.

Trong bài viết về body shaming online, tác giả sách người Anh Nicola Morgan nhận định: “Khó tin rằng con người có thể hành xử thô lỗ với nhau về thứ có tính ngẫu nhiên như ngoại hình. Một cơ thể trông như thế nào có phải việc của ai?”.

Theo bà Morgan, người ta có thể chỉ trích lời nói hoặc quan điểm của người nào đó, nhưng bình phẩm về ngoại hình của họ thì: Không liên quan, không khôn khéo và chắc chắn không thể chấp nhận.

Nữ tác giả nói ngoại hình của con người là điều không ai có quyền được bình phẩm, xúc phạm hoặc chỉ trích theo bất kỳ cách nào. Đó là hành động sai trái.

“Nhưng ngày nay, body shaming có thể xảy đến với bất cứ ai, ở bất cứ đâu. Dám khác biệt với đám đông, bạn có thể trở thành mục tiêu miệt thị của những kẻ thiếu tử tế”, Morgan viết.

Theo cách có ý thức hoặc vô thức, body shaming dường như ngày càng khắc sâu vào tư tưởng của mọi người, trở thành định kiến của họ về ngoại hình bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả người thân hay ai đó không quen biết.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Vì sao người ta lại body shaming lẫn nhau? Họ cố tình khiến người khác bị tổn thương? Hay họ làm như vậy chỉ vì thiếu hiểu biết? Hay còn một lý do nào khác?

Chỉ là "đùa"?

Năm 2012, Jacqueline Adan (người Mỹ) nặng tới gần 230 kg sau một thời gian lên cân không thể kiểm soát. Với thân hình quá khổ, cô bị body shaming từ trên mạng xã hội đến ngoài đời.

"Mỗi lần tôi xuất hiện, nhiều người lại nhìn tôi chỉ trỏ, cười nhạo, thậm chí hỏi: 'Vì sao bạn để cơ thể phát tướng như vậy?'. Tôi được ‘khuyên’ phải che giấu cơ thể của mình vì nó trông ‘kinh tởm và chẳng ai muốn thấy’”, Adan nói.

Trải qua nhiều ca phẫu thuật cắt da đau đớn, Adan đã giảm được 160 kg. Tuy nhiên, điều này chưa đủ giúp cô thoát khỏi những đám đông miệt thị.

Trần Vũ Yến Vy (sinh viên ở TP.HCM) thường bị bạn thân so sánh ngoại hình với những cô gái khác. Vy nói lý do được cô bạn đưa ra là: "Vì mày xấu, chân ngắn trông mắc cười".

"Có lẽ nó chỉ đùa thôi, nhưng thật sự mình không vui một chút nào. Nhiều lần như thế mình tổn thương ghê gớm nhưng không muốn nói ra vì sợ mất lòng nhau", Vy nói.

Body shaming vo co: ‘Mang xa hoi ma, nghiem tuc qua lam gi’ hinh anh 4
Theo cách có ý thức hoặc vô thức, body shaming dường như ngày càng khắc sâu vào tư tưởng của mọi người. Ảnh: Heathline. 

Theo tiến sĩ, nhà xã hội học kiêm tác giả sách người Mỹ Samantha Kwan, người ta quyết định body shaming ai đó vì định kiến cá nhân và tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân. Khi đó, thay vì lo chuyện của mình, người miệt thị quyết định "làm điều gì đó".

“Người miệt thị cảm thấy cơ thể bạn không vừa mắt và cho rằng đó là ‘lỗi’ của bạn. Họ sẽ xem body shaming là cách để bạn phải ‘chịu trách nhiệm’ cho điều đó”, bà nói.

Một lý do khác khiến người ta body shaming nhau là "sự so sánh xã hội", theo tiến sĩ Jenny Cole - giảng viên tâm lý Đại học Manchester Metropolitan (Anh).

“Chúng ta thường so sánh mình với người khác để xác định bản thân có 'ổn' không. Khi cảm thấy thua kém ai đó và lòng tự trọng bị tổn thương, ta cố gắng giải tỏa tâm lý bằng cách 'hạ bệ' họ”, tiến sĩ phân tích.

Body shaming vo co: ‘Mang xa hoi ma, nghiem tuc qua lam gi’ hinh anh 5
Body shaming khiến kẻ miệt thị cảm thấy thỏa mãn, nhưng những nạn nhân thì không. Ảnh: Hellogiggles.

Về phía người body shaming, một số cho rằng mình không có ý miệt thị, mà chỉ đang giúp người khác có ý thức hơn về ngoại hình. Họ gọi đó là “góp ý chân thành”, “lời khuyên để trở nên đẹp hơn” hay “tự do ngôn luận”.

Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Body shaming một phần nào đó đã tạo động lực cho bạn để thay đổi. Đừng cố gắng chối bỏ tác dụng chỉ vì nó khiến bạn bị tổn thương hay một thứ gì đó đại loại thế. Đứng lên thay đổi bản thân thay vì trách móc đi".

Theo Nghĩa, nếu chỉ đơn giản là câu nói: "Dạo này cậu mập lên đấy, cố gắng giảm béo để mặc đồ cho đẹp và tránh bệnh tim mạch nhé" thì đó là góp ý, không phải body shaming.

"Đừng nói rằng ai đó đã làm tổn thương bạn bằng cách body shaming. Hãy nghĩ rằng tại sao họ lại làm thế và thân thể gần 100 kg của bạn đã làm ảnh hưởng đến mọi người như thế nào, tự đặt câu hỏi cho bản thân đi chứ?", Trọng Nghĩa gay gắt.

“Sao bắp tay dạo này to thế?”, “Đừng cho nó ăn nữa béo lắm rồi", "Nhịn một bữa không chết đâu"... là một số lời Kim Anh (21 tuổi, Hà Nội) thường nói với cô bạn thân từ thời cấp 3. Cũng như Trọng Nghĩa, cô không nghĩ đó là body shaming.

"Mình nói để bạn ấy biết và đừng ăn nhiều nữa. Con gái mà thân hình tròn trịa quá hay bị chê bai, trêu chọc lắm. Như thế có gì xấu đâu", cô gái nói.

"Mạng xã hội mà, nghiêm túc quá làm gì"

Ở thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, không khó bắt gặp những bài đăng gây tranh cãi về ngoại hình của diễn viên, ca sĩ, hot girl hay người không nổi tiếng trên các diễn đàn mỗi ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, các nội dung này đến với đa dạng đối tượng dùng mạng nhờ các nút tương tác.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mạng xã hội là "nơi lý tưởng" cho body shaming khi người ta thoải mái viết những điều khủng khiếp về người khác đằng sau màn hình điện thoại, máy tính, theo Deccan Herald.

Theo đó, khác với sự miệt thị được nhìn nhận từ phía nạn nhân và những kẻ phán xét trực tiếp, các cá nhân giấu mình sau những lời bình phẩm trên mạng dễ dàng buông lời chê bai bất chấp hậu quả xảy đến với nạn nhân.

TS Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV - từng chia sẻ trong bài đăng trên Zing.vn: "Người dùng mạng có xu hướng tìm đến những quan điểm giống mình, tập hợp thành đám đông để củng cố cho sự tự tin và thỏa mãn về 'sức mạnh' mà họ đang sở hữu. Họ yên tâm 'chặt' vì hành vi và phát ngôn của mình không phải chịu trách nhiệm gì cả". 

Body shaming vo co: ‘Mang xa hoi ma, nghiem tuc qua lam gi’ hinh anh 6
Mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter... được coi là nơi lý tưởng cho body shaming. Ảnh: Heathline.

Trong trường hợp chàng trai bị giễu cợt và chế ảnh khắp mạng xã hội vì câu nói "giống T.O.P (Big Bang)" 3 năm trước, nhiều người đặt câu hỏi: "Người ta có làm gì sai để bị 'ném đá' như vậy không?".

Một số dân mạng đáp trả với lý lẽ: "Nghiêm túc quá làm gì", "Đạo đức giả", "Mọi thứ xuất hiện trên mạng xã hội phải chịu bình phẩm" hay "Không muốn người ta khen chê thì tốt nhất đừng đăng".

"Mình có người bạn dùng hai tài khoản Facebook. Một dùng trao đổi công việc, liên lạc với bạn bè, 'nick ảo' còn lại chuyên đi 'comment dạo' trên các diễn đàn mạng. Từ câu chuyện 'người tốt việc tốt' đến 'bóc phốt', đánh ghen trên mạng, bạn ấy bình luận không sót bài đăng nào. Có lần bạn dùng lời lẽ khá cay nghiệt để bình phẩm ngoại hình một cô gái, mình ý kiến thì bạn bảo: 'Mạng xã hội mà, nghiêm túc quá làm gì''', Nguyễn Phương Phương - quản trị viên một diễn đàn kiến thức trên Facebook - nói.

Người miệt thị hôm nay, nạn nhân ngày mai

Nhưng bất kể lý do body shaming là gì, trực tiếp hay gián tiếp, cố ý hay vô thức, nạn nhân chắc chắn không hề thấy ổn. 

Năm 2015, tờ HuffPost từng công bố nghiên cứu của tác giả Jean Lamont (Đại học Bucknell, Mỹ) về ảnh hưởng của body shaming tới phụ nữ. Theo đó, những người bị miệt thị ngoại hình có biểu hiện suy giảm sức khỏe, gia tăng các bệnh nhiễm trùng, tự xấu hổ về hình thể từ độ tuổi teen.

Năm 2018, thạc sĩ Nguyễn Hà Bích Vân cùng một số giáo viên THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) khảo sát ngẫu nhiên 500 học sinh tại TP.HCM về ảnh hưởng và tác động của body shaming trong cuộc sống các em.

Kết quả khảo sát cho thấy 56% học sinh gặp phải hành vi này. Trong đó, 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, chủ yếu tập trung những khuyết điểm của cơ thể như vóc dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng.

Đa số học sinh chưa tự xử lý được vấn đề này, thậm chí còn có suy nghĩ, hành động tiêu cực như “muốn trốn cả thế giới”, “tuyệt vọng muốn trốn ở nhà luôn hoặc đi phẫu thuật”…

Theo thạc sĩ Vân, phản ứng chủ yếu của nạn nhân body shaming là thụ động, im lặng chịu đựng. Một số ít chọn hành vi đánh lại người chế nhạo mình.

Trên thế giới, nạn nhân của body shaming từng phải tìm đến cái chết vì không chịu nổi áp lực. Đó là trường hợp của Jessica Laney (người Mỹ) tự kết liễu cuộc sống ở tuổi 16 vào năm 2012.

Body shaming vo co: ‘Mang xa hoi ma, nghiem tuc qua lam gi’ hinh anh 7
Ai cũng có thể trở thành mục tiêu body shaming. Ảnh: Eliza Reisfeld.

Trước đó, nữ sinh thường chia sẻ trên mạng xã hội về nỗi buồn khổ vì cuộc sống gia đình trục trặc, những cuộc cãi vã ở trường và mối lo lắng về cơ thể mình.

Tuy nhiên, thay vì những lời động viên, Laney liên tục bị chê “béo”, “lẳng lơ”, thậm chí có người còn đề nghị: “Bạn chết đi được chứ?”.

"Cô ấy liên tục bị bắt nạt tới mức không thể chịu đựng được nữa", Valeria Canales - bạn của Jessica Laney - đau buồn nói.

Người bị body shaming hiểu rõ nhất những tổn thương phải chịu đựng. Nhưng họ có sẵn sàng đứng ra bảo vệ các nạn nhân khác hoặc ít nhất không "ném đá" thêm?

Câu trả lời là không, theo FitRated.

Kết quả khảo sát về body shaming được công bố trên trang vào năm 2018 cho thấy trong hơn 1.000 người tham gia khảo sát, khoảng 32% người bị body shaming thừa nhận họ từng miệt thị cơ thể người khác.

"Body shaming thật sự vượt ngoài tầm kiểm soát", tác giả Amy Guard khẳng định ngay ở tiêu đề bài viết đăng trên Unilad.

Theo bà, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội ở mọi độ tuổi, giới tính, dân tộc hay có kích thước và hình dạng cơ thể như thế nào. Một số nhóm được coi "dễ bị tổn thương hơn" là trẻ em và thanh thiếu niên.

“Dù có phải là người nổi tiếng hay không, bạn vẫn có thể trở thành nạn nhân của body shaming”, tác giả Todd Leopold khẳng định trong bài viết đăng trên CNN.

"Không có một từ ngữ nào thật sự 'an toàn' để mô tả cơ thể người khác mà không biết mối quan hệ của họ với những từ này", tác giả Alanna Massey nhận định trong bài viết về body shaming đăng trên SELF.

Theo đó, khi không chắc chắn điều mình nói ra có khiến người khác tổn thương hay không, tốt nhất ta nên im lặng. Bởi hôm nay chúng ta body shaming ai đó không chắc ngày mai điều tương tự không xảy đến với chính mình.

Nguồn bài viết : Table games

Top