Mai, đào Việt khoe sắc trên nhánh cây rừng châu Phi |
Nhịp cầu kết nối tình hữu nghị Việt - Lào |
Gói bánh chưng là một trong nhiều hoạt động nhằm giữ gìn hồn Tết Việt của người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN) |
Tết trong tâm thức người Việt bao đời nay luôn mang ý nghĩa đoàn viên. Mỗi một mùa Xuân mới về, ai cũng mong muốn được trở về quê hương, với gia đình, để cùng đón Tết cổ truyền.
Tết đến, nhiều người con xa xứ lại thêm một năm lỡ hẹn sum vầy bên người thân, nhưng ở nơi xa có Đại sứ quán là nhà, Tết của cộng đồng người Việt tại Cuba vẫn thấm đẫm hương vị và không khí quê hương.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, hai tuần trước thời khắc đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, cộng đồng người Việt tại Cuba đã rộn ràng không khí Tết.
Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba lên lịch tỉ mỉ từ sớm cho các công đoạn gói bánh chưng như lấy lá, rửa lá, ngâm gạo nếp, đồ đỗ xanh, gói bánh, bắc bếp củi.... Chiếc bánh chưng xanh ở nơi xa “mảnh đất hình chữ S” nửa vòng Trái Đất không chỉ là món ăn mà còn là cầu nối để các thành viên trong cộng đồng thêm gắn bó, sẻ chia, là hành trang văn hóa mà những người con đất Việt mang theo.
Niềm vui, sự phấn chấn ánh lên trên từng khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười. Mỗi người mỗi việc, mọi người vừa làm vừa ôn chuyện buồn vui, người lớn kể chuyện Tết xưa gian khó, thanh niên học hỏi các phong tục truyền thống và kinh nghiệm đời sống, trẻ nhỏ chạy quanh háo hức... Nhờ vậy, Tết xa cũng hóa gần, nỗi nhớ gia đình, quê hương cũng nguôi ngoai phần nào, Tết thêm phần ấm áp, trọn vẹn yêu thương.
Người lớn hướng dẫn các bạn sinh viên và các cháu nhỏ chuẩn bị Tết, để các cháu hiểu hơn về phong tục tập quán của người Việt, từ việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các món ăn truyền thống, bày biện mâm ngũ quả, đến tục đi chúc Tết, lì xì đầu năm.
Dù ở cách xa 16.000km, lệch múi giờ 12 tiếng đồng hồ nhưng cộng đồng người Việt tại Cuba vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống.
Theo thông lệ, đúng thời khắc giao thừa theo giờ Việt Nam, cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Cuba cùng gia đình sẽ dâng hương lên bàn thờ Tổ quốc và hướng về quê hương. Tình đồng bào ấm áp nơi xa và cái Tết “rất Việt Nam” khiến ai nấy cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ.
Anh Khổng Thanh Phong, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, đã 5 năm liền ăn Tết tại đảo quốc xinh đẹp này. Tuy ở xa quê hương tới “nửa vòng Trái Đất” nhưng năm nào anh Phong và gia đình cũng cùng các thành viên cơ quan đại diện, cộng đồng doanh nghiệp và bà con Việt kiều đón Tết ấm cúng, nhờ thế mà nỗi nhớ nhà cũng phần nào nguôi ngoai.
Chị Hoàng Kim Anh, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc. Tết cộng đồng là một trong những hoạt động mà bà con Việt kiều và du học sinh tại Cuba rất mong chờ.
Cuba là địa bàn rất khó khăn và đặc thù, nên việc tổ chức gói bánh chưng không dễ dàng. Chị Kim Anh cho biết Đại sứ quán dự định gói khoảng 200 chiếc bánh chưng để bà con vui Tết, nhưng để làm được như kế hoạch, nhà bếp đã phải thu mua và trữ đông thịt lợn từ rất sớm, gạo nếp và đỗ xanh phải vận chuyển từ Việt Nam sang vì không thể mua được ở sở tại, và vì không có lá dong nên nhà bếp “sáng tạo” thay thế bằng lá chuối rừng.
Dù đơn giản và không thể đủ đầy như quê nhà nhưng Tết là dịp cộng đồng quây quần bên nhau, để tình người nơi xa thêm gắn bó, để nhắc nhở thế hệ trẻ gìn giữ những truyền thống tốt đẹp.
Sắp đón cái Tết thứ sáu ở Cuba nhưng em Trịnh Hoàng Anh vẫn thấy bồi hồi xúc động. Hoàng Anh vừa tốt nghiệp và chuẩn bị về nước, có lẽ đây sẽ là cái Tết cuối cùng em tới Đại sứ quán để có cảm giác “như được về nhà.”
Cô sinh viên vừa vui vì hoàn thành nhiệm vụ học tập, vừa lưu luyến không khí Tết cộng đồng gắn kết nơi xa xứ. Những ngày được cùng các cô, chú, anh, chị chuẩn bị đón Tết, chia sẻ chuyện buồn vui và cùng hướng về quê hương hẳn sẽ trở thành mảnh ký ức ấm áp khó quên.
Trong khi đó, anh Vũ Thế Duẩn, cán bộ Cơ yếu của Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, vừa mới đến địa bàn nhận nhiệm vụ được vài tháng. Để khỏa lấp nỗi nhớ nhà những ngày cận Tết, anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống, cố gắng để Tết nơi “xứ lạ” giống nhất với Tết ở quê nhà.
Tết cũng là dịp để giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh những người Việt tất bật chẻ lá, luộc lá,... có một ông Tây cần mẫn chất củi để lát nổi lửa đun bánh chưng.
Anh Julio Cesar là người Cuba nhưng rất thích Tết. Anh tâm sự rằng rất thích cách người Việt quây quần đón Tết, đây là một nét văn hóa mà người nước ngoài ngưỡng mộ.
Về phần mình, cô Lien Delgado, chia sẻ rất thích món ăn Việt Nam, thích bánh chưng, nem, phở và thích nhất là Tết được lì xì.
Đêm khuya, bên nồi bánh chưng và bếp lửa hồng, những người con Việt Nam tại Cuba tập trung canh lửa, chờ vớt những chiếc bánh gói ghém nỗi nhớ nhà và bao hy vọng về một năm mới hạnh phúc, sum vầy.
Bà con kiều bào mong muốn các hoạt động Tết cộng đồng như thế này sẽ giúp cho các thế hệ người Việt tại Xứ sở Mặt trời mọc càng nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc Việt Nam.
Họ tin rằng Tết cổ truyền của dân tộc sẽ luôn được gìn giữ và duy trì ở bất cứ nơi đâu trên Trái Đất này, chỉ cần nơi đó có một người con đất Việt.
Nhớ và nhớ… là nỗi niềm chung của bất cứ người Việt nào không thể trở về quê hương vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Càng ở xa quê hương, người Việt càng trân quý và nâng niu bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tết ở Cuba không có hoa mai, hoa đào hay lất phất mưa Xuân, nhưng luôn có tình đồng bào ấm áp. Và chỉ cần luôn hướng về quê hương, gia đình và cộng đồng, những người con xa xứ vẫn luôn cảm nhận được giá trị thiêng liêng của Tết cổ truyền.
Theo TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/cong-dong-nguoi-viet-nam-o-tay-ban-cau-giu-gin-hon-tet-viet-post924082.vnp
Chè lam rất ngon và kiến trúc nhà cổ Bắc bộ rất đẹp |
Kiều bào Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong vun đắp quan hệ hữu nghị hai nước |