Nhiều sai sót khi thay đổi nguyện vọng trực tuyến
Thí sinh và phụ huynh điều chỉnh nguyện vọng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) ngày 18/7. (Ảnh: Thanh Niên)
Một thí sinh ở Sơn Tây, Hà Nội xin được giấu tên chia sẻ: “Xót xa lắm chị ạ, ngày 17/7 vừa qua, em thay đổi nguyện vọng bằng phương pháp trực tuyến. Trước đó, em đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào ngành: Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Kỹ thuật máy tính và Công nghệ kỹ thuật Cơ khí Điện tử của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Kết quả thi em được 24 điểm nên em muốn thay đổi thứ tự ưu tiên các nguyện vọng ưu tiên Công nghệ kỹ thuật Cơ khí Điện tử lên đầu tiên. Thế nhưng, trong lúc tiến hành thay đổi nguyện vọng, không hiểu do mạng chập chờn hay do máy tính lỗi nên sau khi em thay đổi xong thì hệ thống không cập nhật. Em rối quá nên nhấp chuột loạn lên và giờ thì nguyện vọng ưu tiên số 1 của em lại là ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính không phải ngành mà em mong muốn.
Trong khi đó, quy chế tuyển sinh năm nay mỗi thí sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng 1 lần, giờ em cũng không biết làm sao”, thí sinh này cho biết.
Còn thí sinh Nguyễn Văn Nam (Hải Phòng) cho biết sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, Nam nhận thấy sự chênh lệch giữa điểm thi thật và điểm dự kiến nên đã quyết định thay đổi nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình thao tác, do không để ý, Nam đã đăng ký nhầm nguyện vọng một thành nguyện vọng 2.
“Vì đăng ký nhầm nên nguyện vọng một của em hiện tại không thể đủ điểm đỗ còn nguyện vọng 2 sẽ tuyển ít chỉ tiêu nên cũng rất khó khăn. 'Sai một ly, đi một dặm' em giờ chỉ biết trông mong vào các nguyện vọng sau như 3, 4, 5”, Nam nói.
Nếu cho thay đổi nguyện vọng nhiều lần sẽ gây "loạn"
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, quy chế chỉ cho phép thí sinh được điều chỉnh một lần, nếu cho phép thí sinh thay đổi lần nữa sẽ gây “loạn”. Bài học kinh nghiệm từ việc cho thí sinh thoải mái đổi nguyện vọng năm 2015 dẫn đến rối loạn khiến Bộ phải có những điều chỉnh cho hợp lí hơn.
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, việc thay đổi nguyện vọng nhiều lần sẽ gây "loạn". (Ảnh: Quyên Quyên)
Cũng theo ông Nghĩa, cách làm năm nay đã dễ hơn khi học sinh ngồi ở nhà cũng có thể tính toán, xem xét kỹ càng rồi mới điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh cũng đã được thử nghiệm lần 1 rồi nên các em hoàn toàn sẽ biết cách làm. Số nguyện vọng cũng cho thoải mái nên làm sao mà “trật” được?
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT cũng đã tuyên truyền rất nhiều để thí sinh cẩn thận trong việc điều chỉnh này. Ngay cả thiết kế trong phần mềm, Bộ cũng đưa ra nhiều cảnh báo và cung cấp thông tin trên màn hình đầy đủ các nguyện vọng đã nhập để thí sinh rà soát.
Cụ thể, khi đăng ký trực tuyến, phần mềm có hỗ trợ giúp thí sinh không bị lỗi về mã ngành, mã tổ hợp. Trước khi nhấn nút xác nhận, phần mềm tiếp tục cảnh báo và cung cấp thông tin trên màn hình đầy đủ các nguyện vọng đã nhập để thí sinh rà soát. Xảy ra sai sót và nhầm lẫn thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.
Bà Nguyễn Thi Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đào tạo, Bộ GD&ĐT, cho biết đến sáng 18/7, tỷ lệ thí sinh thay đổi nguyện vọng là gần 30%.
Bà Phụng thông tin thí sinh lúng túng trong việc thay đổi nguyện vọng nên xem những câu hỏi Bộ GD&ĐT đã trả lời trong tài liệu hỏi - đáp. Ở đây, những thắc mắc về điều chỉnh nguyện vọng đã được hướng dẫn qua tài liệu và clip rất cụ thể. Ngoài ra, cách thức xét tuyển của từng trường đã được công khai trong các đề án tuyển sinh. Tất cả thông tin này đều có trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh nên vào trang thituyensinh.vn để tham khảo các thông tin cơ bản này để thực hiện đúng. Sĩ tử cũng có thể điện thoại hoặc gửi email đến các địa chỉ tư vấn hỗ trợ thí sinh của các trường hoặc của Bộ GD&ĐT để tham khảo.
Bà Phụng lý giải việc chỉ cho thí sinh điều chỉnh một lần để tránh trường hợp thí sinh chưa suy nghĩ kỹ đã điều chỉnh, đăng nhập nhiều lần có thể xảy ra chậm mạng, nghẽn mạng ở từng thời điểm, gây ảnh hưởng thí sinh khác. Phần mềm thay đổi nguyện vọng đã thiết kế câu hỏi để thí sinh chắc chắn mới bấm nút chốt thay đổi nên không thể gây nhầm lẫn.
An Nhi (t/h)