Nơi đó thuộc xã Mô Rai, huyện Ia Drai, tỉnh Kon Tum.
Thầy Hoàng Văn Chiến - giáo viên chủ nhiệm lớp 6 “nhô” - cho biết mỗi lúc nhìn thấy nụ cười vui sướng có chút ngượng nghịu của học sinh khi lần đầu tiên được biểu diễn văn nghệ và nụ cười hạnh phúc pha chút nghẹn ngào của các bậc phụ huynh lâu lắm rồi mới được nghe hát, xem múa, mà lại do chính con em mình biểu diễn, đã khiến những người giáo viên miền biên ải thật sự ấm lòng.
Niềm vui của thầy trò lớp 6 “nhô”
Cơ sở vật chất của lớp 6 “nhô” là một phòng học tạm và một phòng ở bán trú mượn của Lâm trường Sê San. Vì là lớp học bán trú nên các phụ huynh đã tự nguyện đóng góp xây dựng nhà ăn cho con em mình.
Để lớp 6 “nhô” ổn định việc dạy và học, Công ty Cao su Sa Thầy và Công ty Cao su Chư Mom Ray hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng công trình nhà tắm, vệ sinh cho các em, và các chiến sĩ Đồn biên phòng 713 đã tham gia ngày công sửa sang phòng học, nhà ở bán trú...
Thầy Nguyễn Quang Thọ - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn - đã định nghĩa cụm từ lớp 6 “nhô” một cách đầy hóm hỉnh rằng: vì trường tiểu học nhưng lại quản lý lớp 6 thuộc bậc trung học cơ sở nên thành ra “nhô” lên một lớp. Học trò “nhô” làm thầy cô giáo cũng “nhô” theo.
Thầy Thọ kiêm luôn giáo viên dạy môn toán cho lớp 6, hai giáo viên trong trường giữ vai trò giáo viên chủ nhiệm, vừa chăm coi chuyện ở bán trú cho các em và kiêm luôn “đa môn”.
“Nhiều học sinh đã học “kịch trần” chương trình tiểu học, muốn học lên lớp 6 nhưng vì không có điều kiện đi xa đành phải nghỉ học. Khi nghe nhà trường tổ chức học lớp 6 “nhô” đã quay lại trường tiếp tục học tập” - chị Lương Thị Tấm, công nhân nông trường 3, thuộc Công ty Cao su Mang Yang, có con trai Vi Văn Vũ trở lại học lớp 6 “nhô”, cho biết.