Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, thời gian gần đây, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng được nâng lên rõ rệt qua nhiều dự án đã và đang được triển khai. Những giàn hoa lan, hoa giấy, những luống hoa thạch thảo, mười giờ… đang khoe sắc ở Trường Sa Tết này là kết quả một dự án do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai 3 năm qua.
Năm 2012, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai dự án sản xuất thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa, gồm 2 giai đoạn. Hiện dự án đang tiến hành giai đoạn 2, từ năm 2015 đến 2016.
Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây chăm sóc hoa
Dù mục tiêu chính của dự án là giúp cho bộ đội Trường Sa sản xuất để tự túc được một phần thực phẩm gồm rau xanh và thịt lợn, vịt, bò… nhưng các nhà khoa học vẫn dành rất nhiều tâm huyết cho một nội dung “phụ” của dự án, đó là nghiên cứu một số giống hoa thích hợp với điều kiện khắc nghiệt trên đảo.
Tiến sĩ Ngô Quang Vinh – Chủ nhiệm dự án cũng, là người tham gia xây dựng nội dung nghiên cứu từ những ngày đầu cho biết: “Sở dĩ nghĩ đến hoa vì tôi nghĩ việc chăm lo cho bộ đội ở đảo cũng rất cần chú ý xây dựng cảnh quan cho đẹp, phát triển đảo theo hướng có tính nhân văn và đời sống tinh thần phong phú hơn. Suy nghĩ về làm đẹp đảo bắt đầu có tính tổng thể như thế. Nếu có dịp ra thăm Song Tử Tây thì sẽ thấy có 2 giàn hoa lan thời điểm này đang trổ hoa rất tốt”.
Không đơn thuần là một đề tài nghiên cứu, đội ngũ những nhà khoa học tham gia dự án đã dành nhiều tâm huyết cho việc đem hoa ra đảo. Sau 3 phần 4 chặng đường, nhìn lại, mọi người đều thống nhất rằng nếu không dồn tâm huyết, tình cảm vào thì dự án này khó có thể thành công vì việc trồng hoa vốn dĩ là chuyên môn chính của các chuyên gia phòng nghiên cứu rau, hoa và cây cảnh–lại không hề đơn giản như hàng trăm dự án mà các anh đã triển khai ở đất liền mấy chục năm qua.
Khó khăn thì nhiều nhưng gay nhất vẫn là thiếu đất, thiếu nước tưới và thừa… gió mặn. Ngay cả những công đoạn cơ bản nhất của một dự án khoa học cũng phải tinh giản bớt cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như sau khi hoàn thành việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thay vì phải đem giống hoa, giá thể ra đảo trồng thử nghiệm thì các nhà khoa học đã tạo môi trường gần giống nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Trường Sa để trồng ngay trong đất liền, kịp thời điều chỉnh những bất cập, rút ngắn thời gian khảo nghiệm, nhanh chóng có giống hoa phù hợp đưa ra đảo.
Hay có những chuyến đi dự kiến chỉ trong vòng 1 tháng, vậy mà do thời tiết và nhiều yếu tố khác tác động, các anh đã ở lại đến 2 tháng. Có những chuyến đi lênh đênh trên biển hơn chục ngày, vật lộn với những cơn say sóng đến lả người nhưng về đất vài ba tháng, các anh lại nôn nóng chuẩn bị cho một chuyến ra đảo mới.
Lan Đen–rô trồng trong nhà lưới ở Trường Sa Lớn
Thạc sĩ Nguyễn Đình Tuân, cán bộ nghiên cứu của dự án bày tỏ: “Tôi có điều kiện đi 12 đảo ở Trường Sa, được gặp gỡ cán bộ chiến sĩ rất nhiều. Qua thời gian thực hiện ở đảo, có những tình cảm rất đặc biệt, người ta kỳ vọng vào mình cũng rất nhiều. Có điều kiện ngồi tâm sự với cán bộ chiến sĩ, sau khi nghe tâm sự thì mình có quyết tâm hơn để làm sao cho dự án thành công”.
Với khoảng cách hơn 600km so với đất liền cùng điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, để cây hoa bén rễ, trổ bông trên đảo, khâu chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Dù có sự phối hợp chặt chẽ từ các cán bộ khoa học nhưng người trực tiếp chăm hoa vẫn là các chiến sĩ hải quân. Ngoài giờ trực chiến, các anh dành khá nhiều thời gian chăm bón, tưới tắm cho hoa, nâng niu từng nụ, từng cành. Không phụ công người lính, giờ đây, từ Trường Sa Lớn đến Song Tử Tây, Nam Yết, gần chục loài hoa đang khoe sắc.
Trung tá Vũ Xuân Trường, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây phấn khởi: “Chương trình trồng hoa để xây dựng đảo xanh – sạch – đẹp là dự án lớn. Căn cứ tình hình thời tiết ngoài này, đảo phối hợp với các chú, các bác trong đất liền có biện pháp che chắn, bón phân hợp lý. Hoa trên đảo hiện rất đa dạng nhưng những loại như lan, hoàng yến, chiều tím là loại cây đang phát triển tốt và cho hoa rất nhiều”.
Trường Sa – hai tiếng thân thương như có một sức hút kỳ lạ với rất nhiều con dân đất Việt. Bởi dù cách xa nghìn trùng sóng nước thì đó vẫn là một phần máu thịt của Tổ quốc, là nơi những người lính biển luôn canh giữ đêm ngày để lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay giữa biển trời xanh ngát.
Phải chăng, đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến các nhà khoa học không quản ngại gian khó, kỳ công đem từng mầm xanh ra đảo. Và phải chăng, cũng vì cảm được tấm chân tình đó mà các chiến sĩ nơi đảo xa, dù cuộc sống còn thiếu thốn vẫn chắt chiu từng ca nước, che chắn từng ngọn gió để những mầm xanh nảy lộc vươn cành, ra hoa kết trái, cho cuộc sống ở đảo không chỉ có hai mùa mưa – nắng mà còn có cả mùa Xuân.