Dưa hấu được đắp phù điêu hình khỉ, phật, ông thọ đang được nhiều khách đặt hàng Tết.
Họa sỹ Trần Phong, người sáng tạo ra phương pháp đắp phù điêu lên dưa cho biết, anh đắp phù điêu khi dưa đã chín. Ý tưởng của anh xuất phát từ mong muốn giúp đỡ nông dân trồng dưa ở miền Tây cải thiện giá bán, chất lượng sản phẩm trong mùa Tết. Anh đã mất một năm trời tìm hiểu cách tạo hình, điêu khắc lên loại quả không thể thiếu trong ngày Tết này.
Anh Phong chia sẻ, ban đầu, phù điêu hình ảnh, chữ cái được anh dùng nhựa dẻo để tạo ra. Sau đó, một loại keo đặc biệt sẽ được phủ lên một phần trái dưa để kết dính với miếng phù điêu, tạo ra những hình ảnh nổi đẹp mắt. Anh Phong cho biết đã đăng ký bản quyền sáng chế này với Cục sở hữu trí tuệ. Đây cũng là năm đầu tiên loại dưa hấu đắp phù điêu nổi xuất hiện trên thị trường.
Đại diện công ty phân phối độc quyền sản phẩm này cho biết, sau một thời gian ngắn chào bán, đã có hơn 20.000 đơn đặt hàng từ các tỉnh thành trong cả nước. Công ty ước tính sẽ tiêu thụ 200-300 tấn dưa hấu cho bà con nông dân tỉnh Kiên Giang dịp Tết này.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đơn vị phân phối cũng đã thuê một khu đất rộng ở huyện Bình Chánh, TP HCM để làm xưởng đắp phù điêu. 200 công nhân dự kiến phải làm việc cả ngày đêm mới đủ hàng cung cấp cho thị trường Tết.
Dưa nguyên liệu cũng đang bắt đầu tập kết về xưởng để gia công.
Việc đắp phù điêu không ảnh hưởng đến chất lượng bên trong, thời gian bảo quản giống như dưa bình thường.
Anh Lễ, chủ một vựa trái cây ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, anh đã đặt hàng hơn 1.000 trái dưa đắp phù điêu để bán trong dịp Tết, vì đoán sản phẩm lần đầu xuất hiện trên thị trường này sẽ hút khách mua.
"Mức giá 250.000-350.000 đồng một trái là phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Dưa đắp phù điêu lại chủ động được hình ảnh, được làm theo yêu cầu của khách hàng nên tôi mới chào bán mà nhiều người đã rất thích", anh Lễ nói.
Những trái dưa hấu thành phẩm được đóng hộp chuẩn bị giao cho khách
Theo Zing