Tội phạm ngày càng trẻ hóa, có phải gia đình đã vô tình?

2025-01-17 20:38:19

Gần 70% các vụ án hình sự xảy ra vài năm gần đây có đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên. Đó là kết quả nghiên cứu của trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm Học viện Cảnh sát nhân dân- Bộ Công An. Hành vi phạm tội phạm này cũng có xu hướng ngày càng lạnh lùng và man rợ hơn.

Điển hình có thể kể đến vụ Lê Văn Luyện giết người cướp của tại tỉnh Bắc Giang, hay gần đây nhất là các vụ thảm án kinh hoàng liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Bình Phước, Nghệ An. Ngoài hành vi phạm tội man rợ, những đối tượng trong các vụ án này có điểm chung là đều trong độ tuổi thanh, thiếu niên và đều có học thức, nhân thân tốt… Có thể thấy đây là hiện tượng đáng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ lớn về sự suy đồi giá trị đạo đức.

Hung thủ 3 vụ thảm án chấn động dư luận thời gian qua

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc nguyên nhân sâu xa để tìm ra giải pháp đẩy lùi vấn nạn đáng báo động này. Trong khuôn khổ bài viết, xin đưa ra một số nguyên nhân xuất phát từ gia đình.

Nhiều chuyên gia về tội phạm học đã đưa ra nhận định: các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có mẫu số chung là lối sống ích kỷ, hiếu thắng, thích hưởng thụ. Lối sống này lại được tác động bởi môi trường thiếu sự dạy dỗ, quản lý của người lớn, mà cụ thể là cha mẹ. Bản thân những người xung quanh có hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì vô hình chung cũng trở thành tấm gương xấu tác động đến nhân cách của các đối tượng này.

Đáng chú ý hơn, theo kết quả nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu tội phạm học đề cập ở trên: với số lượng 2.599 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự thì có tới 69% đối tượng rơi vào các gia đình có đầy đủ bố mẹ và điều kiện kinh tế khá giả, trong số 69% đó lại chiếm tới 70% là con một hoặc con út trong gia đình.

Có lẽ, sự nuông chiều thái quá của gia đình, khuyến khích con cái hưởng thụ sớm của nhiều ông bố, bà mẹ đã vô tình khiến các em không có ý thức tự lập vươn lên, dễ dàng sa ngã khi không được đáp ứng.

Lối sống thích hưởng thụ và sự nuông chiều của gia đình có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường

Điển hình có thể kể đến hung thủ trong vụ thảm án 6 người tại Bình Phước, nghi can Nguyễn Hải Dương và Lê Thị Ánh Linh - con gái vợ chồng nạn nhân đã từng có thời gian yêu nhau, Dương đã từng sinh sống cùng gia đình này. Tuy nhiên, sau đó Linh đã chấm dứt tình cảm theo lời khuyên của cha mẹ. Có thể chính vì điều này, từ một thanh niên nghèo đang được hưởng nhiều mối lợi như được ăn ở trong gia đình đại gia, có vị thế hãnh diện với bạn bè, có cơ hội giàu có trong tương lai…, Dương bỗng dưng bị đuổi khỏi gia đình giàu có khiến cho hắn nảy sinh thù hận (theo lời Dương khai nhận)

Một nguyên nhân nữa có thể đã rất ít được đề cập đến, nhưng nó lại có tác động không nhỏ đến lứa tuổi thanh thiểu niên. Khi bắt đầu có sự trưởng thành về mặt xã hội và con người, các bạn trẻ rất mong muốn sự độc lập. Chính vì vậy, cha mẹ càng ngăn cản bao nhiêu thì các bạn càng muốn thể hiện cá tính ngoài xã hội bấy nhiêu. Có thể khi ở nhà thì các bạn ngoan ngoãn biết nghe lời, nhưng ra ngoài xã hội thì câu chuyện lại diễn biến ngược lại. Thậm chí mọi chuyện có thể diễn ra đến mức cha mẹ không thể ngờ tới.

Cha mẹ của Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến- 2 nghi phạm trong vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước cho đến giờ vẫn không thể tin rằng con mình vốn hiền lành, được mọi người quý mến lại ra tay sát hại chính những người tưởng như thân thiết với chúng. Cả cha và mẹ các nghi can đều quẫn trí muốn tự tử nhưng đã được can ngăn và cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình vì mải làm ăn mà quên đi việc chăm sóc, quản lý con cái. Điều này khiến những bạn trẻ trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Nhu cầu giao tiếp và đặc biệt là giao tiếp với những người thân xung quanh là một trong những nhu cầu thiết yếu. Khi người trẻ không được giao tiếp trong gia đình, tất yếu sẽ tìm đến mạng xã hội hay những kênh thông tin khác và vô tình bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ngoài xã hội vào nhân cách của mình.

Nhiều bạn trẻ đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cũng chỉ ra rằng, một số phạm nhân phạm tội giết người bị nghiện game online và cách hành xử của họ bị ảnh hưởng nặng bởi game

Một câu nói về giáo dục xuất hiện ở tất cả các môi trường học tập và trở thành phương châm dạy dỗ cơ bản từ xưa đến nay đó là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy cả gia đình và nhà trường đều chưa chú trọng về giáo dục nhân cách mà chỉ chú trọng đến thành tích học tập.

Các kỹ năng giao tiếp trong xã hội đang bị lơ là. Các mộn học như giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống lại không được coi trọng. Thay vào đó, học sinh đang phải chạy theo cơn sốt trường điểm với lịch học văn hóa dày đặc.

Vụ án ở Bình Phước, các nghi can đều là người có học, sinh ra trong gia đình lao động, bố mẹ hiền lành chất phác. Tuy nhiên các đối tượng đã trượt ngã trong dòng đời do không biết kìm hãm trước cám dỗ, cha mẹ cũng chưa đủ gần gũi để kịp thời điều chỉnh trước những thay đổi của con cái. Vì vậy, có thể thấy việc dạy kỹ năng sống, cách ứng xử với gia đình, bạn bè và mối quan hệ trong xã hội có vai trò quan trọng.

Chúng ta có thể đang sống trong một thế giới ảo- nơi cha mẹ vẫn còn có những lầm tưởng về chính đứa con của mình, nơi sự khen ngợi không được đặt đúng chỗ và nơi con người vẫn tự huyễn hoặc mình với cuộc sống giàu sang vô thực. Thế giới ảo này sẽ là con dao hai lưỡi nếu ta không kịp thời thức tỉnh và thực tế hóa mọi thứ.

Cần lắm những “bác sĩ tâm hồn”

Muốn diệt trừ cái ác, chúng ta cần xây dựng một mạng lưới cán bộ xã hội để giúp đỡ những thanh thiếu niên bị tổn thương về tâm lý (các đối tượng nguy cơ cao phạm tội) để “chữa trị” các vết thương tinh thần cho họ, tránh để chúng trở nên nặng hơn, cuối cùng gây ra những tội ác nghiêm trọng, tàn bạo như vụ thảm sát vừa qua.

Nguyễn Thảo

Nguồn bài viết : NS Điện Tử

Top