Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để đẩy mạnh phòng chống mua bán người |
Đại sứ Elsbeth Akkerman: VUFO có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy quan hệ "đối tác toàn diện" giữa Hà Lan và Việt Nam |
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. |
Đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản?
Chính phủ cũng như người dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang cùng hân hoan đếm ngược thời gian tới sự kiện trọng đại - kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, ví như một khóm hoa muôn màu, muôn sắc được vun trồng, chăm sóc bởi các thế hệ lãnh đạo, người dân hai nước trong suốt 50 năm qua, đang vươn lên xòe tán, nở hoa rực rỡ và tràn đầy sức sống.
Năm 1973, khi chiến tranh ở Việt Nam chưa kết thúc, Chính phủ Nhật Bản đã công nhận và thiết lập quan hệ với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc đó. Đây là hành động đúng đắn, có ý nghĩa góp phần mở rộng mặt trận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, giúp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng một nền độc lập, tự do toàn vẹn trên toàn đất nước Việt Nam.
Trong giai đoạn khó khăn bởi chính sách cấm vận, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật Bản là nước đầu tiên mở lại đàm phán viện trợ ODA cho Việt Nam, trong khi cấm vận chưa được dỡ bỏ. Những nguồn viện trợ quý báu trong lúc khó khăn đã giúp Việt Nam trong phục hồi nền kinh tế bị phá hoại bởi chiến tranh và cấm vận.
Một số công ty của Nhật, cũng là những công ty nước ngoài đầu tiên đã dám vượt qua cấm vận, thiết lập văn phòng và hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Họ là những người tiên phong đặt nền móng cho những số liệu đáng tự hào trong quan hệ hai nước hôm nay.
Tới nay, ODA của Nhật Bản chiếm 1/3 tổng giá trị ODA của nước ngoài viện trợ cho Việt Nam, góp phần cải tạo, xây dựng hệ cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đứng thứ ba trong các nhà đầu tư, chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, chế tạo, thiết bị phụ trợ, đường xá, cầu cảng, sân bay... Thương mại chiếm vị trí thứ tư với cán cân thương mại cân bằng mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai nước.
Ngoài ra, hợp tác quốc phòng, an ninh, giáo dục, nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân cũng phát triển mạnh mẽ, trở thành những bông hoa tươi sắc trong khóm hoa hữu nghị Việt-Nhật.
Đại sứ nhận định như thế nào về vai trò và đóng góp của doanh nghiệp và địa phương Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng?
Vốn FDI lũy kế 64,9 tỷ USD từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chiếm 16% tổng vốn FDI vào Việt Nam, là một con số khiêm tốn nhưng lại chứa đựng ý nghĩa lớn lao nếu xem xét từ cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng, năng lượng, thiết bị phụ tùng máy móc... là những ngành sản xuất thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Ngay từ năm 1995, các công ty Nhật Bản như Toyota, Honda... là những tên tuổi đã cùng làm nên thành công đáng tự hào của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc do Tập đoàn Sumitomo đầu tư từ năm 2015 dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản với tổng diện tích 213ha, đến nay, đã cơ bản được lấp đầy, với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã và đang hoạt động hiệu quả. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản với môi trường đầu tư, môi trường sống và làm việc cho nhân viên của họ tại Vĩnh Phúc.
30 năm trước, Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo, nông nghiệp lạc hậu, nhưng nay, địa phương này đã trở thành ví dụ điển hình thành công trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản. 62 dự án FDI đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 2,16 tỷ USD luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, về hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp cho ngân sách.
Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn là nhà đầu tư Nhật Bản, đã đem đến diện mạo mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và ngược lại, Vĩnh Phúc luôn là người bạn đồng hành tin cậy, mang lại lợi ích và hiệu quả cho các nhà đầu tư, mang lại niềm vui cuộc sống cho các gia đình nhân viên người nước ngoài tại địa phương.
Chính sách đối ngoại đa dạng và linh hoạt đã giúp Vĩnh Phúc thành công. Trong quan hệ với các địa phương của Nhật Bản, Vĩnh Phúc kết nghĩa với tỉnh Akita năm 2015 và tỉnh Tochigi năm 2021. Vai trò của các địa phương của Nhật rất lớn trong việc định hướng phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp của tỉnh.
Do vậy, việc thắt chặt hợp tác hữu nghị cấp tỉnh sẽ là định hướng quan trọng cho các doanh nghiệp Nhật Bản tìm địa bàn đầu tư. Việc mở rộng đối tác hữu nghị góp phần tăng cường hợp tác toàn diện ở cấp địa phương, làm tiền đề khuyến khích và hỗ trợ các lĩnh vực khác như đầu tư, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ...
Nhật Bản có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Đâu là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Nhật? Đại sứ có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác kinh tế với Nhật Bản?
Việt Nam và Nhật Bản là thành viên của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP. Do vậy, hàng hóa của ta và Nhật là bình đẳng. Việc xâm nhập thị trường là việc còn lại của nhà sản xuất.
Hiện nay, một số hàng hóa của các doanh nghiệp FDI của Nhật như điện tử, phụ tùng đang được nhập rất tốt về Nhật. Rõ ràng, mấu chốt là chúng ta có tiếp quản được công nghệ và kỹ thuật đó không, để cũng có những mặt hàng công nghiệp “Made in Viet Nam” và “made by Vietnamese”.
Trong nhiều năm quan sát, tôi nhận thấy người Việt Nam rất giỏi về công nghệ thông tin (IT) và cơ khí bởi người Việt Nam được trời phú cho hai tố chất thông minh và khéo tay. Đã có hơn 10 công ty IT của Việt Nam hoạt động thành công ở Nhật Bản. Tôi hy vọng đây sẽ là lĩnh vực đầu tư tiên phong của Việt Nam vào Nhật Bản trong những năm tới.
Hàng chục nghìn kỹ sư cơ khí cũng đang làm việc hiệu quả, có uy tín cao trong các doanh nghiệp Nhật. Đây sẽ là tiền đề cho những công ty đầu tư của người Việt Nam sang Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng máy móc...
Sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm, hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ... sẽ tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam trong xuất khẩu vào Nhật. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng có sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường khó tính vào bậc nhất thế giới.
Do vậy, việc thường xuyên quan tâm duy trì chất lượng sản phẩm và an toàn cho người tiêu dùng phải là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà sản xuất cũng như công ty thương mại.
Trong sáu tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã gặp nhau tới ba lần. Hai Thủ tướng đã thỏa thuận những lĩnh vực ưu tiên để chính phủ hai nước cùng nhau hỗ trợ, xây dựng Việt Nam thành một nơi sản xuất, cung cấp hàng hóa ổn định cho Nhật Bản và các nền kinh tế, hỗ trợ các lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt chủ trương định hướng này để tham gia và trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng của hai nền kinh tế Việt - Nhật.
Thời gian tới, khi Việt Nam tham gia vào cộng đồng châu Á giảm phát thải dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản với tổng số vốn rót vào lên tới hàng chục tỷ USD, chúng ta cần sự nhanh nhạy và dũng cảm của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào việc tìm kiếm và sản xuất năng lượng mới, sạch... tạo nên sự thần kỳ Việt Nam.
Xin cảm ơn Đại sứ
Không ngừng thúc đẩy những bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ |
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Năm 2022 là dấu mốc mới của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào |