Cơ duyên với mảnh đất Cố đô
Cecile mang trong mình 2 dòng máu: cha người Pháp và mẹ người Việt. Năm 1979, khi cùng chồng sang Pháp, lúc tìm được gốc gác quê nội tại Paris, bà mới hay tin người cha đã mất trước đó 3 năm.
Nhớ về tuổi thơ, Cecile cho biết, bản thân từ nhỏ đã theo học trường nội trú của Pháp tại Đà Lạt. Tại đây, mọi người đều giao tiếp bằng tiếng Pháp, sinh hoạt theo văn hóa Pháp. Tuổi thơ của Cecile chỉ “gói gọn” trong khoảng thời gian theo học tại trường và kỳ nghỉ hè tại quê ngoại ở Cần Thơ. Có lúc bà tưởng mình là người Pháp do quá khác biệt với bạn bè đồng trang lứa ở quê. “Khi đặt chân đến đất Pháp, tôi mới ý thức được mình là người Việt Nam. Cái suy nghĩ ấy không ngừng thôi thúc bản thân hướng về quê hương”, Cecile tâm sự.
Bà Lê Phạm Cecile (thứ 2 từ phải sang) tặng áo khoác phản quang cho đoàn viên nghiệp đoàn
Từ nhỏ, bà thường nghe mẹ kể về khoảng thời gian sinh bà tại Huế, mà theo Cecile đó là cảm giác gì đó rất lạ. Mặc dù có chất giọng đặc trưng miền Nam, nhưng bà luôn cảm thấy mình có một chút gì đó rất gần gũi với mảnh đất Cố đô. Năm 1999, khi bão lũ dữ dội ập về miền Trung, bà vào thăm các xưởng may tại TP. Hồ Chí Minh, gặp không ít công nhân gốc miền Trung khóc buồn vì người thân mất trong bão lũ. Không suy nghĩ nhiều, bà huy động 1.000 phần quà chở ra miền Trung để giúp người dân gặp nạn, nhưng đành “lỡ hẹn” với Huế vì giao thông bị chia cắt.
Năm 2005, Cecile chính thức “đoàn tụ” với Huế khi Tập đoàn Dacotex mua 55% cổ phần của Công ty May xuất khẩu Huế (Hudatex) khi công ty này cổ phần hóa. Năm 2009, Dacotex nắm toàn bộ 100% cổ phần của Hudatex, mở rộng nhà máy sản xuất thứ 2 tại Khu Công nghiệp Hương Sơ.
Theo Cecile, bà muốn làm điều gì đó giúp thanh niên ở nông thôn miền Trung có cơ hội làm việc tại quê nhà, tránh cảnh “tha hương cầu thực”. Có thể đồng lương tại đây không cao bằng những thành phố phát triển, nhưng họ lại được quây quần cùng gia đình bên mâm cơm sau giờ tan ca chiều. Lúc ốm đau, các công nhân có gia đình bên cạnh chăm sóc và hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ thay vì phải tạm trú trong căn phòng trọ chật chội với bữa cơm bụi vội vã để kịp giờ làm như bà từng nghẹn ngào chứng kiến ở TP. Hồ Chí Minh.
Sẻ chia lợi ích
“Mỗi doanh nghiệp phải có ý thức, trách nhiệm đóng góp xây dựng cho mảnh đất họ đang làm giàu như một cách trả nợ. Không phân biệt số tiền, có thể là 10 tỷ, 1 tỷ hay chỉ là 1 triệu đồng, cái quan trọng là ý thức tự giác của mỗi doanh nghiệp trong việc chung tay mang lại lợi ích xã hội cho các hoàn cảnh kém may mắn hơn”, đó là lời nhắn nhủ mà bà Cecile nhấn mạnh trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Với tinh thần đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dacotex, kiêm Giám đốc Công ty Hudatex - bà Lê Phạm Cecile quyết định đồng hành cùng Liên đoàn Lao động TP. Huế hỗ trợ vật chất cho đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô, xe thồ trên địa bàn tỉnh như: áo đồng phục, áo khoác phản quang, bảo hiểm tai nạn, sơn sửa xích lô… Đối với Cecile, xích lô, xe thồ là hình ảnh rất đỗi gần gũi và xinh đẹp gắn liền với Cố đô Huế. Du khách khi đến Huế thường ít nhất một lần bước lên xe xích lô. Các đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô, xe thồ chính là những người gần gũi và sâu sát với khách du lịch hơn bất kỳ ai. Cecile mong muốn mỗi khi khoác lên vai đồng phục của nghiệp đoàn, các anh, các chú xích lô, xe thồ phải ý thức được vai trò “hướng dẫn viên tại chỗ” nhằm quảng bá du lịch cho Huế và điều quan trọng nhất để gây ấn tượng với du khách là lời chào.
Bà Lê Phạm Cecile (thứ 2, từ phải sang) cùng lãnh đạo TP. Huế trao quà hỗ trợ cho đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ
Từng đến thăm nhiều thành phố trên khắp thế giới, điều Cecile chú trọng nhất chính là lời chào thân thiện của người dân bản địa, những người làm dịch vụ tại địa phương. Huế cũng không phải là ngoại lệ, với việc in lời chào bằng các ngôn ngữ phổ biến lên áo, bà mong muốn mỗi khi gặp du khách ngoại quốc, những người đạp xích lô, xe thồ có thể niềm nở đáp lại bằng một lời chào thân thiện, để thực sự xứng tầm với thành phố có bề dày văn hóa như Huế.
Bản thân Cecile thật sự xúc động khi nghe lời chia sẻ chân thành từ một đoàn viên nghiệp đoàn: “Hơn bao giờ hết, bây giờ anh em chúng tôi cảm thấy yêu Huế, hãnh diện là một người Huế biết nhiều tiếng chào của nước ngoài để có thể góp một phần nhỏ xây dựng hình ảnh thành phố du lịch”.
Theo bà Cecile, ở Huế không thiếu những doanh nghiệp lớn luôn sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng, nhưng đôi khi những điều nhỏ nhặt nhất lại không mấy ai nghĩ tới. Thông qua việc làm trên, bà mong muốn tạo tiền đề để các doanh nghiệp khác cùng vào cuộc, từng bước cải thiện hình ảnh thành phố du lịch, thu hút du khách, xứng tầm với bề dày văn hóa lịch sử nơi đây.
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Huế cho biết, sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ bà Cecile đã góp phần từng bước chuyên nghiệp hóa lực lượng đoàn viên nghiệp đoàn trên địa bàn thành phố. Nhiều anh em đoàn viên sau khi nhận được hỗ trợ đã có ý thức tốt hơn trong quá trình hoạt động.
Với vai trò là một trong những người sáng lập Hiệp hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tại Pháp (ASSORV), bà Lê Phạm Cecile đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để giúp đỡ các trẻ em nghèo, cơ nhỡ thông qua việc thành lập Cô nhi viện Hoa Mai tại Cần Thơ, Hậu Giang, Đà Nẵng… và các cơ sở từ thiện khác để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Ngoài ra, bà còn nhiều lần đưa các đoàn thiện nguyện gồm các y, bác sĩ nước ngoài đến Huế, Quảng Nam… để khám bệnh cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. |
Bài, ảnh: Minh Nguyên/Báo Thừa Thiên - Huế