Tham gia đoàn còn có đại diện lãnh đạo Hội Khmer - Việt Nam tại Kampong Chhnang.
Phát biểu với các bà con Việt kiều thuộc diện di dời tại huyện Boribo, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết: Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng người Campuchia gốc Việt ủng hộ chủ trương di dời người dân sống trên Biển Hồ của Chính phủ Campuchia, vì về nguyên tắc, đây là chủ trương giải quyết vấn đề môi trường, ổn định đời sống lâu dài cho người dân.
Đại sứ Vũ Quang Minh thăm hỏi bà con tại huyện Boribo.
Về cách thức triển khai cụ thể chủ trương này, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/10 vừa qua ở Indonesia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Kampong Chhnang di dời có lịch trình, thời gian chuyển đổi phù hợp, tránh làm xáo trộn đời sống người dân; cần thu xếp nơi định cư có hạ tầng thiết yếu như điện nước, trường học, trạm xá,… và bảo đảm sinh kế, duy trì nghề nghiệp cho bà con.
Trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Campuchia từ ngày 25-28/10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai, trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Campuchia đều nhắc lại các đề nghị này.
Ngay từ khi có thông tin về quyết định của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang di dời hơn 10.000 người gốc Việt ở khu vực này, Tổng hội và Tỉnh hội Khmer-Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi Tỉnh trưởng.
Đại sứ quán Việt Nam cũng đã có công hàm phản ánh nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng gửi tới chính quyền tỉnh và các cơ quan trung ương liên quan của Campuchia, đề nghị chính quyền triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, bảo đảm có cơ sở hạ tầng thiết yếu, vệ sinh môi trường và điều kiện mưu sinh cho người dân trước khi thực hiện di dời.
Một góc làng nổi của bà con tại địa điểm chính quyền tỉnh bố trí tạm cư.
Tại các cuộc tiếp xúc, Việt kiều ở huyện Boribo và thành phố Kampong Chhnang khẳng định, bà con tuân thủ chủ trương di dời của Chính phủ Campuchia và cảm ơn những chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực di dời chưa đảm bảo các điều kiện hạ tầng thiết yếu như điện, đường, nước sạch, đặc biệt là hệ thống thoát nước và chất thải. Tại địa điểm di dời còn đang bị ngập nước, nhà nổi của bà con hiện ở phía trên khu vực rừng cây mai dương (cây xấu hổ), nước ngập sâu, khi nước rút dự kiến chỉ trong một vài ngày tới sẽ trở thành một vũng lầy, ảnh hưởng rất lớn về môi trường, vệ sinh dịch tễ và không có đường để đi lại. Bên cạnh đó, hoàn toàn không có nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt. Đã có dấu hiệu phát sinh bệnh ngoài da do nước tù ô nhiễm, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ. Nếu chính quyền địa phương không có các giải pháp khẩn cấp thì chỉ ít hôm tới, tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều, có thể gây khủng hoảng về vệ sinh môi trường, đặc biệt khi nước rút thấp không có khả năng di chuyển nhà nổi và thuyền bè của bà con tới nơi mới.
Cộng đồng bà con Việt kiều ở đây khẩn thiết đề nghị chính quyền cho phép bà con di chuyển tới địa điểm tạm cư mới đủ điều kiện sống tối thiểu, bảo đảm vệ sinh môi trường và có thể mưu sinh trong thời gian chờ đợi chính quyền tìm các biện pháp cho bà con tái định cư lâu dài, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và sinh kế của bà con, hoặc nếu chưa có địa điểm phù hợp thì cho phép bà con quay tạm trở lại nơi ở cũ.
Đại sứ quán Việt Nam và Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục phản ánh tới chính quyền tỉnh và trung ương của Campuchia các kiến nghị khẩn cấp này của bà con.
C.Hùng – M. Hưng – C. Đa