Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã âm thầm leo thang trong nhiều năm, nhưng các diễn biến trong tuần này đã cho thấy sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Huawei, công ty từng là ngôi sao nổi bật nhất của ngành công nghệ Trung Quốc, đã bị hàng loạt các nhà cung cấp Mỹ ngưng hợp tác. Điều này đã khiến sự hoạt động và sự phát triển trong tương lai của công ty công nghệ Trung Quốc gần như lâm vào bế tắc. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thực hiện những biện pháp đáp trả, nhưng với vô số lựa chọn đang được đặt trên bàn cân, nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đã bắt đầu nghĩ đến những kịch bản xấu nhất.
Một trong những phương án mà phía Trung Quốc có thể thực hiện, nhiều khả năng sẽ gây ra sự hỗn loạn đối với các công ty công nghệ Mỹ, là lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm – một loại nguyên liệu thô rất quan trọng cho công nghiệp điện tử. Những nguyên tố này được khai thác và sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, và được sử dụng phổ biến trong rất nhiều loại trang thiết bị ở Mỹ từ ô tô điện đến tuabin gió, từ những chiếc điện thoại thông minh cầm tay cho tới các loại tên lửa phóng vào không gian.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ ý tưởng này, khi họ gọi sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm của Trung Quốc là một "con át chủ bài" trong tay Bắc Kinh.
Trên thực tế, các nguyên tố đất hiếm đôi khi được mô tả là "vitamin của thế giới hoá học", bởi chỉ cần một lượng rất nhỏ đất hiếm đã có thể tạo nên những tác động mạnh mẽ. Một lượng cerium tương đương một lần rắc muối lên thức ăn của chúng ta, trộn với nhúm neodymium bằng đầu ngón tay đã có thể giúp cho màn hình của một chiếc TV sáng hơn, một cục pin hoạt động được lâu hơn, và một thỏi nam châm trở nên mạnh hơn. Nếu Trung Quốc đột ngột "cấm cửa" các công ty nước ngoài tiếp cận với nguồn tài nguyên này, thì chẳng khác nào kéo cả ngành công nghiệp công nghệ thế giới lùi lại một vài thập kỷ. Và rõ ràng ở thời đại hiện nay, không ai lại muốn từ bỏ chiếc iPhone của mình để trở lại dùng BlackBerry cả!
Mặc dù vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực này lại ít tỏ ra lo ngại về một kịch bản đen tối đến vậy. Họ cho rằng, mặc dù lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm từ phía Trung Quốc có thể ngay lập tức gây ra những tác động tiêu cực, nhưng Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới có thể tìm được các giải pháp thay thế để thích nghi về lâu dài. "Nếu Trung Quốc thực sự cắt toàn bộ nguồn cung đất hiếm sẽ gây ra những vấn đề trong ngắn hạn, nhưng vẫn hoàn toàn có thể giải quyết được," Tim Worstall, một người từng có kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng đất hiếm trên cho biết.
Khác xa với quan niệm "át chủ bài" của người Trung Quốc, tầm quan trọng của đất hiếm trong cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có lẽ chỉ như một "làn nước thong thả chảy qua" mà thôi. Dưới đây chúng tôi xin giải thích chi tiết.
Trung Quốc hiện đang chiếm tuyệt đại đa số sản lượng đất hiếm khai thác của thế giới (phần màu đỏ)
Có rất nhiều lý do dẫn tới điều này, trải trên nhiều lĩnh vực từ địa lý, hoá học và cả các yếu tố lịch sử nữa. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, và cũng dễ giải thích nhất nằm ở chỗ: đất hiếm thực ra không hiếm đến mức ấy.
Đất hiếm là một tập hợp gồm 17 nguyên tố, được Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) mô tả là có mức độ "phổ biến vừa phải". Điều đó có nghĩa rằng chúng có thể không phổ biến như các nguyên tố như oxi, silicon và sắt, vốn là các nguyên tố chính cấu thành nên phần lớn lớp vỏ Trái Đất. Song trữ lượng đất hiếm trong tự nhiên có thể tương đương với các nguyên tố như đồng và chì, vốn không được coi là các nguyên tố quá "lạ" hay khan hiếm. Những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất phải kể đến Trung Quốc, bên cạnh đó còn có nhiều nước khác như Brazil, Canada, Australia, Ấn Độ và Mỹ.
Một trong những thách thức lớn đối với việc khai thác các loại đất hiếm (và lý do chúng được đặt tên như vậy) là bởi các nguyên tố đất hiếm hiếm khi tồn tại trong tự nhiên dưới dạng các khối tập trung hay các mỏ. Do các nguyên tố đất hiếm có khả năng hoạt động hoá học khá cao, dễ dàng liên kết với các hợp chất và khoáng chất khác xung quanh và bị trộn lẫn trong bụi bẩn của môi trường. Điều này khiến cho việc khai thác đất hiếm từ tự nhiên trở thành một quy trình mất rất nhiều thời gian, công sức và khó khăn (tương tự như việc thuyết phục một "chiến hữu" đang say rượu rời khỏi bàn nhậu vậy).
Theo lời Eugene Gholz, một chuyên gia về đất hiếm và là Phó Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame: "Một khi đã khai thác được đất hiếm lên khỏi mặt đất, thách thức lớn nhất là làm sao để tách đất hiếm từ đá thành các nguyên tố riêng lẻ."
Quy trình phân tách thành các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ bao gồm một số thao tác tương đối độc hại như ngâm trong axit và các thao tác tiếp xúc với nhiều nguyên tố phóng xạ không lành mạnh. Đây là một trong những lý do mà các quốc gia như Mỹ đã không ngần ngại và thậm chí còn "vui mừng" khi nhượng lại việc sản xuất đất hiếm cho Trung Quốc. Nếu việc sản xuất đất hiếm là một mảng kinh doanh lộn xộn và đầy nguy hiểm, vậy tại sao không để người khác làm điều đó? Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác góp phần vào sự thống trị của đất hiếm tại Trung Quốc, trong số đó có chi phí nhân công rẻ và sự và sự tồn tại của các mỏ sản xuất đất hiếm như một sản phẩm phụ tại Trung Quốc.
Thực ra, Trung Quốc mới chỉ "thống trị" thị trường đất hiếm trong một thời gian ngắn trở lại đây. Từ những năm 1960 đến 1980, phần lớn nguồn cung đất hiếm cho thế giới được sản xuất tại Mỹ, đến từ mỏ đất hiếm Mountain Pass ở California. Nhà máy chế biến đất hiếm tại mỏ này đã ngừng hoạt động vào năm 1998 sau khi để xảy ra sự cố trong việc xử lý nước thải độc hại. Toàn bộ khu vực này đã bị phá hủy vào năm 2002.
Do vậy, từ những năm 1990 trở đi, Trung Quốc bắt đầu đảm nhận việc sản xuất phần lớn sản lượng đất hiếm, cùng với các chi phí môi trường có liên quan đến hoạt động này (Năm 2010, chính phủ Trung Quốc ước tính rằng ngành công nghiệp đất hiếm tại nước này tạo ra 22,05 triệu tấn chất thải độc hại mỗi năm). Nhiều nguồn tin truyền thông cho rằng Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 95% sản lượng đất hiếm trên thế giới, nhưng Gholz nói rằng số liệu thống kê này là "đã lỗi thời". Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết thị phần đất hiếm của Trung Quốc hiện nay rơi vào khoảng gần hơn 80%.
Tuy nhiên, 80% vẫn là một con số đáng kể, và câu hỏi đặt ra là: nếu đất hiếm là mặt hàng quan trọng như vậy, điều gì xảy ra nếu Trung Quốc dừng cung cấp đất hiếm cho phía Mỹ?
Điều may mắn là việc này không phải là không có tiền lệ, nên nước Mỹ hoàn toàn có thể hình dung được các tác động và tìm cách đối phó. Trở lại năm 2010, Trung Quốc đã từng một lần ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau một sự cố ngoại giao liên quan đến một tàu đánh cá hoạt động trên khu vực quần đảo Senkaku đang tranh chấp giữa hai nước. Gholz đã viết một báo cáo về hậu quả từ sự cố này vào năm 2014, và kết luận rằng khác với dự định của phía Trung Quốc, lệnh cấm của họ gây ra rất ít tác động đối với phía Nhật Bản và do đó, có thể coi là gần như không có tác dụng.
Cụ thể: Những kẻ buôn lậu bên phía Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu đất hiếm ra khỏi đất nước bất chấp lệnh cấm của chính quyền; trong khi đó, ở phía bên kia, các nhà sản xuất tại Nhật Bản đã tìm ra những phương thức sản xuất ít sử dụng đến loại vật liệu này hơn. Đồng thời, sản xuất đất hiếm tràn lan ở nhiều nơi khác trên thế giới "thừa" đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt bên phía Trung Quốc. "Thế giới này thực ra rất linh hoạt," Gholz kết luận. "Khi bạn tìm cách hạn chế nguồn cung để gây sức ép chính trị đến một quốc gia khác, họ sẽ không bỏ cuộc, mà thay vào đó, tìm cách thích nghi."
Ông cũng lưu ý thêm rằng, mặc dù các báo cáo của ông tìm hiểu về ngành công nghiệp đất hiếm thế giới tại thời điểm năm 2010, nhưng "kết cục [của những lệnh cấm vận liên quan đến đất hiếm] trong năm 2019 sẽ vẫn không có gì thay đổi so với năm 2010".
Nếu Trung Quốc cắt nguồn cung đất hiếm, Mỹ vẫn sẽ có đủ các kho tích trữ cả của Nhà nước và tư nhân để ưu tiên cung cấp cho các ngành thiết yếu như quân sự trong một thời gian ngắn. Mặc dù lệnh cấm vận từ phía Trung Quốc có thể khiến các mặt hàng công nghệ cao và các loại vật liệu phụ thuộc nhiều vào nó như dầu mỏ (đất hiếm là nguyên liệu cần thiết trong quy trình tinh chế dầu mỏ) tăng giá, Gholz nói rằng không có chuyện bạn sẽ không thể mua một chiếc điện thoại thông minh mới cho mình chỉ vì thiếu một vài microgam nguyên tố yttri. "Tôi không nghĩ rằng việc đó là không thể xảy ra. thể nghĩ rằng đó là một sự kiện khác. Nó chỉ có vẻ không hợp lý mà thôi", Gholz giải thích.
Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm mới chỉ là suy đoán ở thời điểm này, song các công ty đã bắt có kế hoạch chuẩn bị để đối phó với bất kỳ biện pháp trả đũa nào từ phía Trung Quốc. Công ty hóa chất Mỹ Blue Line Corp và công ty khai thác đất hiếm Úc Lynas đã lên kế hoạch vận hành cơ sở sản xuất mới ở Mỹ; đồng thời các kho dự trữ đất hiếm khách trên khắp thế giới đã tăng cường sản xuất để đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc.
Trong trường hợp một lệnh cấm thực sự được phía Trung Quốc ban hành, một trong những phương án dự phòng quan trọng nhất sẽ là mỏ đất hiếm Mountain Pass của Mỹ. Mặc dù mỏ này đã bị đóng cửa sau khi giá đất hiếm Trung Quốc lao dốc, tuy nhiên cơ sở này vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn và đã tiếp tục sản xuất trở lại từ tháng 1 năm ngoái. Các ước tính gần đây cho thấy mỏ Mountain View đã cung cấp 1/10 lượng quặng đất hiếm khai thác được của thế giới (mặc dù việc chế biến không phải do mỏ này đảm nhiệm), do đó trong trường hợp bị cấm vận, Mỹ có thể tăng tốc việc sản xuất đất hiếm từ mỏ Mountain Pass như trước.
"Đến thời điểm hiện tại, cách nhanh nhất và rẻ nhất để tăng cường nguồn cung đất hiếm cho thị trường (trong trường hợp có bất kì sự gián đoạn nào từ phía Trung Quốc xảy ra), là tiếp tục dựa vào mỏ khai thác ở California," Gholz cho biết. "Nước Mỹ không cần phải bắt đầu lại từ đầu."
Worstall cũng đồng ý với quan điểm này: "Khai thác các quặng đất hiếm tập trung thực ra là một công việc rất đơn giản," ông nói. "Tôi, hay bất kỳ ai muốn cạnh tranh với tôi, chỉ cần 6 tháng chuẩn bị trước là đã có thể sản xuất đất hiếm ở bất kỳ sản lượng nào được yêu cầu."
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều nhận định, vấn đề lớn nhất nằm ở mức chi phí để làm việc đó. Lý do chính là bởi các nhà máy tinh chế và phân tách đất hiếm xây dựng ở Mỹ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao hơn nhiều.
Như chúng ta đã thấy với trường hợp của Huawei cũng như những thiệt hại khác do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra, câu hỏi thực sự không phải nằm ở việc các quốc gia và các công ty, doanh nghiệp có thể thích nghi với các lệnh cấm vận và các chính sách bất lợi khác hay không, mà là cái giá mỗi bên phải trả để làm điều đó.
An Huy
Nguồn bài viết : Live22 Điện Tử