Vướng vòng lao lý vì không giúp đỡ người bị nạn

2025-01-17 20:39:38
Có không ít trường hợp đã vướng vào vòng lao lý bởi không giúp đỡ người bị nạn thời gian qua. Giúp đỡ người gặp nạn không chỉ là đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý.

Ngày 15/2, Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam tài xế Mai Văn Khởi (40 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra hành vi "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Trước đó, rạng sáng 2/2, gia đình ông Lê Văn Nhanh (quê Tiền Giang) thuê ô tô 16 chỗ để đưa cháu gái về nhà chồng ở tỉnh Đồng Nai. Khi đó, trên xe có 12 người (11 khách và tài xế). 

Chiếc xe chạy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương (địa phận huyện Châu Thành, Tiền Giang) thì xảy ra va chạm với xe đầu kéo do tài xế Mai Văn Khởi cầm lái, đang chạy phía trước.

Sau tai nạn, tài xế Khởi xuống xe, thấy đầu ô tô 16 chỗ hư hỏng, người trên xe bị thương nặng. 

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: E.X

Tài xế Khởi bị cáo buộc không cứu giúp nạn nhân, không trình báo cơ quan công an mà lái xe rời khỏi hiện trường. Vụ tai nạn làm 4 người tử vong. 

Trong một diễn biến khác, hồi cuối tháng 1, VKSND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Sự việc liên quan đến chị Hằng xảy ra vào khoảng 22h ngày 2/10/2022. Khi đó, chị Hằng lái ô tô lưu thông tại khu vực huyện Can Lộc. Khi đến Km 491+390 thuộc TDP 10 (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), xe của chị xảy ra va chạm với xe máy do anh Nguyễn Công Phường (SN 1991, trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển.

Sau va chạm, anh Phường ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Lúc này chị Hằng lên ô tô di chuyển tiếp, để mặc anh Phường lại hiện trường. Tiếp đó, xe tải đông lạnh do anh Tưởng Văn Danh (trú Quảng Bình) điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc chạy tới đã cán qua người anh Phường, khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Không giúp đỡ người khác sẽ có nguy cơ vướng vòng lao lý

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, việc xử lý đối với những trường hợp nói trên sẽ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với nhiều người, làm cho những người tham gia giao thông nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội và đối với những người xung quanh. 

Khi vấn đề đạo đức còn bị xem nhẹ ở một số bộ phận người dân thì vấn đề pháp luật có vai trò quan trọng trong việc tác động đến hành vi, ý thức của con người trong việc thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nguy hiểm. 

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong một số trường hợp, việc giúp đỡ người khác không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý.

Pháp luật quy định, bất kỳ người nào khi gặp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân mình có điều kiện giúp đỡ nhưng không giúp đỡ, dẫn đến người đó tử vong thì người không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xử lý hình sự về tội danh theo quy định của BLHS.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cũng cho hay, có nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân bị thiệt mạng không phải vì nguyên nhân chính là do tai nạn mà vì không được cứu chữa kịp thời. Điều này xuất phát từ sự vô cảm, sợ trách nhiệm, sợ vướng vào phức tạp của người khác.

Hành vi không cứu giúp người bị nạn dù có khả năng, có điều kiện là hành vi đáng bị lên án và có thể bị xử lý hình sự. BLHS 2015, sửa đổi 2017 quy định rõ: Người không trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (như người đi đường, người chứng kiến hoặc nhìn thấy tai nạn…) sẽ bị phạt tù đến 2 năm nếu không cứu giúp người bị nạn, dẫn đến trường hợp một người bị nạn tử vong do không được chữa trị kịp thời. 

Đối với người trực tiếp gây ra tai nạn, cơ quan chức năng sẽ buộc người đó phải chịu tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo khoản 2 của điều luật với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù;  hoặc tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 260 BLHS, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù, tùy thuộc vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm của hành vi vi phạm pháp luật.

“Nên giúp người khác trong khả năng, điều kiện, hoàn cảnh của mình, bởi biết đâu một ngày nào đó, chính ta rơi vào hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Giúp người khác vừa phù hợp về mặt đạo lý, vừa có thể tránh cho chúng ta nguy cơ vướng vòng lao lý”, lời luật sư Giang Hồng Thanh.

Nguồn bài viết : THỂ THAO

Top