Tiếp tục Phiên họp, chiều 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến về về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước và tham dự các diễn đàn quốc tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm… Cử tri cho rằng các hoạt động ngoại giao này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chuẩn bị của Quốc hội và Chính phủ về các nội dung quan trọng của chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; quan tâm đến việc triển khai năm học mới 2024-2025.
Cử tri và nhân dân lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân...
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình hình một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... đang có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tình trạng thiếu thuốc, vaccine và vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập do còn có vướng mắc về đầu thấu mua sắm; tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc, trên đoạn cắt ngang giữa đường bộ và đường sắt; tình trạng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn xảy ra…
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, ông Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, trên cơ sở Báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.289 kiến nghị cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 1.942 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 84,8%.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nhiều vấn đề kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân gửi tới các Kỳ họp Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ngành, cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét giải quyết. Bên cạnh đó còn nhiều phản ánh, kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết căn cơ như: tình trạng ngập úng, tắc đường ở các thành phố lớn; tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội vẫn xảy ra phổ biến, nghiêm trọng...
Cử tri và nhân dân tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo tập hợp đầy đủ các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân nêu trên, chỉ rõ nguyên nhân vì sao các kiến nghị, phản ánh vẫn tiếp tục diễn ra, những vấn đề đã xem xét, giải quyết hoặc đang được xem xét, giải quyết, định lượng kết quả cụ thể và gửi về Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thông báo cho cử tri và nhân dân biết và tiếp tục giám sát.
Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến phát biểu ghi nhận các báo cáo đã phản ánh tương đối toàn diện, xác đáng, có số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri và người dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Nhiều vấn đề đã được giải quyết và được sửa đổi bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế, góp phần làm cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2024 có nhiều kết quả tốt đẹp.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo giải trình rõ thêm các nội dung nổi lên trong báo cáo, các vấn đề cử tri kiến nghị; tiếp tục tập trung chỉ đạo những vấn đề trên quyết liệt hơn, có những giải pháp đột phá liên quan đến nhiệm vụ ngành, như y tế, giáo dục.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các báo cáo đã nêu khá đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Nhấn mạnh, các báo cáo trên đều liên quan trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm gọn hơn các báo cáo, nêu bật các vấn đề trọng tâm, gần gũi, có sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, để các báo cáo khi trình ra Quốc hội xem xét thực sự truyền tải tiếng nói của nhân dân.
Đơn cử như phần phản ánh ý kiến của cử tri, nhân dân về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ bài học lòng dân, lấy dân làm gốc; hay như phần báo cáo về bão số 3, số 4 cần làm rõ hình ảnh đẹp, nhân văn của các lực lượng chức năng với nhân dân trong khắc phục hậu quả của bão.
Liên quan đến những khó khăn trong mua sắm vật tư y tế, tiêm chủng vaccine các bệnh truyền nhiễm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, nhất là ý thức tiêm phòng vaccine; quyết liệt chỉ đạo trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong khám chữa bệnh.
Về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có tiếp thu và có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại cần nề nếp, bài bản hơn, quyết liệt giải quyết thấu tình, đạt lý các đơn thư, khiếu nại của nhân dân./.
Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp trong 5,5 ngày; trong đó xem xét, cho ý kiến về 11 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.