Trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietNamNet tổ chức vào ngày 20/8/2019, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho biết, đối với chính sách quản lý công nghệ, Việt Nam đã có Đề án về kinh tế chia sẻ và sắp có Đề án về chuyển đổi số quốc gia (kinh tế chia sẻ là một phần trong đó).
Tuy nhiên, sự cân bằng hợp lý giữa tinh thần hạn chế rủi ro, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… thì Việt Nam đang khá chậm chạp và lúng túng. Điển hình, câu chuyện tranh cãi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ như Grab, chúng ta còn bàn thảo đến dự thảo thứ 10 chưa xong. “Trong khi câu chuyện taxi còn hơn giản hơn câu chuyện Fintech nhiều, đứng về góc độ tác động, lợi ích và rủi ro kinh tế, xã hội của các bên liên quan”, ông Thành dẫn chứng.
Cụ thể, ông Thành nhắc đến 3 điều khó khăn trong việc xây dựng chính sách cho cuộc cách mạng về Fintech. Điều đầu tiên, cách mạng phải “thoát cũ” hay “phá cũ xây mới”, để “phá cũ” thì lại liên quan đến lợi ích, chi phí nhưng “xây mới” lại vấp phải nhiều rủi ro mà chưa ai biết do đây là cuộc cách mạng chứa đựng nhiều quy luật mới.
Khó khăn thứ 2, đó là việc ngành tài chính ngân hàng bao giờ cũng nghĩ về rủi ro trước quyền lợi, vì nếu xác suất xảy ra nhỏ nhưng tác động lan toả xảy ra lớn thì phải có quy định riêng. Tiếp theo là việc mở cửa tài chính, ông Thành cho rằng không đơn thuần là yếu tố nước ngoài bao nhiêu phần trăm mà còn nhiều yếu tố liên quan khác.
Khó khăn cuối cùng là mở cửa cán cân thanh toán quốc tế khi đồng tiền Việt Nam chưa phải là đồng tiền chuyển đổi (đồng tiền được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được mua bán rộng rãi trên thị trường ngoại hối chủ chốt-PV).
Theo TS Võ Trí Thành, "thoát cũ xây mới" trong Fintech là cuộc cách mạng rủi ro chứa đựng rất nhiều điều chưa biết, nhất là với đặc thù của ngành ngân hàng tài chính. |
“Thoát cũ xây mới trong Fintech là cuộc cách mạng rủi ro chứa đựng rất nhiều điều chưa biết, nhất là với đặc thù của ngành ngân hàng tài chính”, ông Thành nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực Fintech, ông Thành cho rằng, có một câu hỏi được đặt ra, nếu chúng ta quản lý "thoáng" hơn để doanh nghiệp có thể làm những gì mình thích thì rủi ro và lợi ích sẽ như thế nào? “Như với Ấn Độ hay một số nước, trong tương lai, ngân hàng sẽ bỏ làm thanh toán mà để Fintech làm việc này, điều này sẽ khiến bảo mật, chi phí trung gian giảm, phân bổ nguồn lực tốt…. đồng thời làm nền tảng (platform) chung cho nhiều dịch vụ. Nhưng đa số các nước là chọn cách hợp lý cân bằng giữa các yếu tố”, ông Thành nói.
Trên cơ sở đó, theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm đến việc “giải trình” vì chưa tìm được điểm cân bằng. Ví dụ, hôm nay Ngân hàng Nhà nước phải “giải trình” được ít nhất những điểm quan trọng như nếu không làm thế thì có rủi ro đến kinh tế - xã hội hay không; lợi ích của tất cả các bên liên quan như thế nào, với Fintech là startup, ngân hàng, người tiêu dùng…
Nguồn bài viết : sxmb