Có tới 95% học sinh bị mắc bệnh răng miệng, đa sâu răng, nhiều răng sâu trên miệng, nhiều răng không được điều trị. |
Phó giáo sư - Tiến sỹ Võ Trương Như Ngọc, Phó Viện trưởng Viện đào tạo răng hàm mặt - Trường đại học Y Hà Nội cho biết, hiện tỷ lệ học sinh mắc bệnh răng miệng là rất cao, hơn 95% trẻ em có răng sâu trong miệng, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, nhiều cặn bám thức ăn; nhiều cháu dưới 7 tuổi sâu toàn bộ cả hai hàm, sâu vỡ lớn chỉ còn các chân răng trong miệng; các cháu trên 7 tuổi đã có răng vĩnh viễn thì khoảng hơn 50% răng hàm lớn thứ nhất đã bị sâu vỡ lớn; tỷ lệ răng mọc lệch, kẹt do mất răng sữa sớm cao. Đặc biệt là hơn 95% trẻ không được can thiệp gì. Điều này cho thấy việc chăm sóc răng miệng cho lứa tuổi học đường ở địa phương còn quá nhiều hạn chế.
Hiện nay, trên thế giới đã quan tâm nhiều việc dự phòng bệnh răng miệng cho trẻ em ngay từ khi người mẹ mang thai, đặc biệt ngay khi sinh, các quốc gia phát triển đã khuyến cáo trẻ cần được khám răng miệng để phát hiện các bệnh lý bất thường về niêm mạc miệng, tư vấn cách vệ sinh răng miệng khi chưa có răng, tư vấn cách cho ăn, cho bú để tạo điều kiện cho xương hàm được phát triển thuận lợi. Khi răng sữa mọc, cần khám định kỳ để bác sỹ răng hàm mặt có thể tư vấn chăm sóc và sử dụng các liệu pháp Verni Fluoride dự phòng sâu răng ngay từ đầu như sử dụng các Verni Fluoride định kỳ. Các nước trong khu vực cũng đã quan tâm nhiều đến việc cần phải phát hiện sâu răng giai đoạn sớm, đây là giai đoạn đầu của sâu răng, tổn thương chỉ là các tổn thưởng mất khoáng, chưa tạo thành các lỗ sâu, ở giai đoạn này nếu điều trị tái khoáng kịp thời thì các tổn thương có thể hồi phục được hoàn toàn.
Tại Hàn Quốc tỷ lệ sâu răng của trẻ em từ 8 - 12 tuổi là 52 - 69%, thay đổi theo từng vùng miền. Tỷ lệ này tại Malaysia là 29,5% - 35% ở lứa tuổi 9 - 12 tuổi. Singapore tỷ lệ sâu răng ở lứa tuổi mẫu giáo khoảng 40%. Như vậy tỷ lệ sâu răng của trẻ em Việt Nam là rất cao.
Phó giáo sư - Tiến sỹ Võ Trương Như Ngọc khám thiện nguyện trong chương trình do Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình phối hợp cùng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị K69.B19 thuộc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường tiểu học số 2 Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. |
Trước thực trạng này, Phó giáo sư Võ Trương Như Ngọc đưa ra khuyến cáo, để dự phòng bệnh sâu răng và viêm lợi cho trẻ em, điều trước tiên và cần làm là phải tăng cường việc giáo dục, hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho các trẻ ở nhà trường và gia đình. Có thể đưa các bài giảng hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng vào chương trình giảng dạy chính thống để học sinh học được cách vệ sinh răng miệng đúng cách, nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe răng miệng. bên cạnh đó cần đẩy mạnh cách nội dung của chương trình nha học đường như: súc miệng bằng dung dịch Fluoride định kỳ, verni fluor định kỳ, trám bít hố rãnh, thăm khám định kỳ 6 tháng-1 năm/ 1lần đề phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương sâu răng sớm
Phó giáo sư Võ Trương Như Ngọc cho biết, hiện nay công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ nhiều cho việc dự phòng và chăm sóc răng miệng. Những ứng dụng trên smartphone có thể giúp cho bố mẹ và trẻ em có tài liệu hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách. Dựa vào học máy có thể xây dựng các phần mềm chẩn đoán bệnh sâu răng sớm, sâu răng giai đoạn lỗ sâu để đưa ra các khuyến cáo điều trị kịp thời.
"Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng trị tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh răng miệng. Ở Việt Nam cũng đã có một số nhóm nghiên cứu vấn đề này, bản thân tôi đang thực hiện một đề tài nghiên cứu ứng dụng học máy để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý răng miệng thường gặp và đưa ra các lời khuyên nha khoa dựa vào các hình ảnh chụp từ smartphone, chúng tôi rất hi vọng sản phẩm của đề tài có thể được ứng dụng để hỗ trợ cho các vùng miền xa còn thiếu đội ngũ nhân lực y tế nhằm mục đích nâng cao sức khỏe răng miệng cho cộng đồng, từ đó có thể nâng cao sức khỏe toàn thân cho trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung", Phó giáo sư - Tiến sy Võ Trương Như Ngọc nói.
Nguồn bài viết : Kết quả xổ số miền Bắc 30 ngày