Đầu giờ buổi sáng, các bộ trưởng đã trả lời một số câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra vào chiều 30/10.
Sửa ngay, khắc phục ngay những quy định gây phản cảm
Cuối phiên họp chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu câu hỏi: Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm.
Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.
“Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay”, đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát các văn bản, trong đó có thông tư ban hành trong nhiều năm gần đây.
Quy định bán dâm đối với học sinh, sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có thông tư. Như vậy, thực tế quy định này đã có. Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này.
Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa lên website dẫn đến phản ứng của xã hội. "Khi có thông tin, tôi chỉ đạo xử lý ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Giáo dục là nội dung này không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội", Bộ trưởng cho hay.
Hoan nghênh Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu ý kiến dư luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị những quy định gây phản cảm, bức xúc phải sửa ngay. “Một thông tư của Bộ lại đưa lấy ý kiến rộng rãi gây bức xúc trong học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Đề nghị Bộ trưởng chú ý chỉ đạo khắc phục ngay”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với tư cách phụ huynh, đại biểu bày tỏ sự lo lắng đối với ngành giáo dục thời gian qua và đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn thẳng sự thật.
“Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu và thấy năng lực của bộ máy hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. Tôi mong Bộ trưởng nhìn thẳng không tránh né để có giải pháp”, đại biểu Hiền nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần rút kinh nghiệm, “ban nãy trả lời đổ cho cán bộ thiếu năng lực của ngành chứ chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu”.
Tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp
Liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn về các giải pháp tạo đột phá cho đối tượng này.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới, sẽ gắn với hai trục xoay: Tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao, đồng thời triển khai đồng bộ 6 giải pháp mà Chính phủ đề ra.
Trong đó, tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo gắn với đầu ra. Sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ, gắn kết với thị trường… làm sao đảm bảo thị trường tiêu thụ bền vững.
“Việc đào tạo dạy nghề cũng được thực hiện bài bản hơn, từng bước hình thành thị trường lao động. Không chỉ là kỹ năng nghề nghiệp mà còn có tiêu chuẩn và kiến thức thị trường, tác phong hội nhập”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, tháng 12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo hạn chế trục lợi các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, thời gian tới, ngành sẽ tập trung 3 vấn đề lớn.
Theo đó, tập trung xây dựng các thể chế, đặc biệt quan tâm tích hợp các chính sách, đảm bảo rõ ràng, khả thi, đồng bộ. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách; công khai, minh bạch các chính sách trong nhân dân, để nhân dân theo dõi, giám sát. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm tất cả các vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Nguồn bài viết : Thể thao Ngoại hạng Anh