Gắn kết tình làng, nghĩa xóm, lan tỏa yêu thương

2025-01-26 17:39:54

Bà là người sáng lập Câu lạc bộ Nghĩa tình tại địa phương, với phương châm hoạt động “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đặc biệt, bà là một điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, được Ban Tuyên giáo Trung ương tôn vinh tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng năm 2023”.

Bà Thạch Thị Thiêng, chủ nhiệm “Câu Lạc bộ Nghĩa tình”. 

Bà Thạch Thị Thiêng năm nay 79 tuổi, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình của Chi Hội Phụ nữ ở ấp Thốt Lốt. Bà cho biết, mình sinh ra và lớn lên ở vùng quê kháng chiến chống Mỹ nên sớm tham gia cách mạng. Năm 1963, bà bắt đầu nuôi chứa, che giấu cán bộ cách mạng hoạt động trên địa bàn. Chồng bà là Liệt sỹ Thạch Xiết, trước đây là đội viên du kích hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Với truyền thống cách mạng của gia đình, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mặc dù cuộc sống có nhiều khó khăn, bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể, góp sức xây dựng quê hương.
 
Ấp Thốt Lốt có hơn 520 hộ dân, với 2.360 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Khmer chiếm trên 95% dân số của ấp. Nguồn thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi nhưng vùng đất nơi đây thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, năng suất cây trồng thấp, thu nhập bấp bênh. Vì mưu sinh, hầu hết lao động chính trong nhiều gia đình phải xa quê đi làm thuê.

Thấu hiểu điều đó, năm 2011, khi được Đảng ủy xã Ngũ Lạc triển khai phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã động viên, bà Thiêng thành lập Câu lạc bộ Nghĩa tình, với sự tham gia của 15 thành viên là hội viên phụ nữ trong ấp.

Bà Thiêng cho biết, những ngày đầu mới thành lập Câu lạc bộ, có những hôm, bà phải đi bộ cả chục kilomet đến từng nhà người dân vận động đóng góp, trong khi đường sá lúc bấy giờ đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa.
 
Hiện nay, Câu lạc bộ Nghĩa tình đã đi vào nền nếp, mỗi tháng, tổ chức sinh hoạt một lần vào ngày 16. Tùy điều kiện kinh tế, thu nhập, mỗi thành viên đóng góp từ 10.000 - 50.000 đồng. Sau đó, Câu lạc bộ cử người đi thăm hỏi gia đình khó khăn, người bị bệnh. Hiểu được việc làm ý nghĩa của bà Thiêng, bà con Khmer trong phum, sóc đều nhiệt tình hưởng ứng. Từ 15 thành viên ban đầu, đến nay, Câu lạc bộ thu hút được 133 thành viên là phụ nữ Khmer trên địa bàn tham gia.

Bà Thạch Thị Thiêng (ngồi giữa) trao đổi công việc với Bí thư Chi bộ ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc (Duyên Hải, Trà Vinh). 

Nhờ sự đóng góp này, từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ tổ chức thăm hỏi gần 200 người, với số tiền hỗ trợ từ 1- 3 triệu đồng/người. Số tiền tuy không lớn nhưng góp phần động viên người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng đồng bào Khmer tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
 
Bà Thiêng chia sẻ, điều đáng quý là hầu hết thành viên Câu lạc bộ đều là người có thu nhập thấp, kinh tế còn khó khăn, song mỗi người luôn ý thức về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, sẵn lòng trích một phần thu nhập thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
 
Khoảng hai năm nay, vì tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, bà Thiêng không thể trực tiếp đi thăm hỏi, động viên người bệnh nhưng với tinh thần nhiệt huyết của một người từng có thời gian tham gia cách mạng, bà Thiêng tiếp tục duy trì và “truyền lửa” cho thành viên Câu lạc bộ.
 
Tại các buổi sinh hoạt, Câu lạc bộ Nghĩa tình còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là chính sách trong vùng đồng bào Khmer; vận động chị em tham gia dọn dẹp cảnh quan môi trường, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh… Đồng thời, Câu lạc bộ định hướng, động viên mọi người cố gắng lao động sản xuất, vượt qua khó khăn để thoát nghèo bền vững, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bí thư Chi bộ ấp Thốt Lốt Mai Dũng Tiến cho biết, Câu lạc bộ Nghĩa tình góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới địa phương. Năm 2022, ấp Thốt Lốt có trên 40 hộ thoát nghèo. Hiện, toàn ấp còn 22 hộ nghèo, trong đó, 9 hộ là đối tượng được nhận bảo trợ xã hội.
 
Việc làm ý nghĩa của bà Thiêng nhận được sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương, người dân trong ấp; được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen nhiều năm liền vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngũ Lạc Huỳnh Thị A cho biết, với tấm lòng tương thân, tương ái, bà Thạch Thị Thiêng là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ địa phương noi theo. Việc làm của bà Thiêng giúp tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương đến cộng đồng.

Nguồn bài viết : Đá gà Thomo

Top